Nhiều bà nội trợ đang coi hạt nêm như gia vị không thể thiếu cho các món ăn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý những điều dưới đây khi sử dụng.
Theo giáo sư Phạm Văn Khôi (Viện Hóa học Việt Nam), hạt nêm chứa nhiều nguyên liệu. Trong đó thành phần không thể thiếu là mì chính (chất điều vị 621) và hai chất điều vị 627, 631.
Theo các tài liệu khoa học, chất điều vị 627 và 631 có độ ngọt gấp 10-15 lần mì chính thông thường. Một thời gian, người tiêu dùng e ngại chất này có thể gây quái thai và rối loạn chuyển hóa. Bên cạnh đó, mì chính có thể gây nên “hội chứng nhà hàng Trung Quốc” với biểu hiện bủn rủn tay chân, chóng mặt, buồn nôn. Tuy nhiên, hiện nay cả 3 chất điều vị 621, 627, 631 đều nằm trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.
Theo giải thích của GS Khôi, mì chính hay bột nêm đều giúp tạo vị ngọt dễ chịu và ít độc hại nếu sử dụng ở mức độ vừa phải.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, tác hại của mì chính và hạt nêm chỉ là giả thiết khi các nhà khoa học bắt tay vào nghiên cứu. Hiện nay, những chất này vẫn được cấp phép sử dụng của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế. Điều đó chứng tỏ chúng hoàn toàn an toàn cho người sử dụng.
“Cũng có thể trong hạt nêm có một số thành phần từ nước ninh xương, bột tôm, gà, nấm rơm… để có hương vị khác nhau, nhưng không đáng kể, chỉ dưới 5%. Hạt nêm được sử dụng để tạo vị ngon cho món ăn, không thể thay thế các sản phẩm dinh dưỡng”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết.
GS Khôi nhấn mạnh: “Hạt nêm cũng như mì chính chỉ tạo độ ngon ngọt nhân tạo cho món ăn, không phải 100% từ thịt hay xương như quảng cáo. Chúng cũng không chứa nhiều dinh dưỡng”.
Ông phân tích bột thịt có trong hạt nêm thường được nhà sản xuất nghiền ra từ thịt sấy khô, không phải chiết xuất nước hầm xương ống và thịt thăn như quảng cáo. Nếu dùng thịt, cá nguyên chất, khi cô đặc lại rất dễ bị ôi thiu, tuyệt đối không thể để lâu, nhất là trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời.
Rất nhiều người kỳ thị mì chính và dùng hạt nêm vì nghĩ gia vị này tốt cho sức khỏe hơn. Tuy nhiên, theo GS Khôi, trong hạt nêm, ngoài một số thành phần như đường, muối, còn có mì chính và chất siêu ngọt (chất điều vị 627 và 631). Chất này về cơ bản cùng vị, thuộc nhóm bột ngọt, giúp làm tăng độ hiệu quả khi sử dụng.
Do đó, những người bị dị ứng, phải kiêng mì chính cũng cần thận trọng khi sử dụng hạt nêm. Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai (3 tháng đầu), trẻ sơ sinh cần lưu ý điều này.
Do tính tiện dụng, nhiều gia đình đã sử dụng hạt nêm thường xuyên, không bổ sung dinh dưỡng từ các thực phẩm tươi sống hàng ngày cho các bữa ăn dẫn tới thiếu chất, đặc biệt với trẻ nhỏ.
“Mặc dù hạt nêm được kiểm nghiệm không gây hại, nhưng chúng ta nên dùng có giới hạn nhất định. Lạm dụng loại gia vị này có thể gây tác dụng phụ khó lường”, GS Khôi nói.
Theo đó, muốn đảm bảo dinh dưỡng cho thành viên trong gia đình, các bà nội trợ nên chú ý bổ sung lượng thực phẩm đa dạng, đầy đủ, cân đối. Tốt nhất nên hạn chế sử dụng bột ngọt, hạt nêm và thay bằng các thực phẩm có độ ngọt tự nhiên. Tuyệt đối không dùng hạt nêm cho trẻ ăn dặm.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, một người không nên ăn quá 6 gram muối mỗi ngày, bao gồm cả bột canh, hạt nêm trong thức ăn, rau củ quả, dưa cà… Bởi vậy, bạn cần lưu ý, khi dùng hạt nêm nên bớt lượng muối, bột canh để bữa ăn của gia đình cân bằng hơn.
Trong thành phần hạt nêm không phải muối iot. Dùng nhiều loại gia vị này sẽ kéo theo lượng iot cần thiết cho cơ thể bị thiếu hụt. Vì vậy, nếu muốn sử dụng hạt nêm, bạn nên kết hợp liều lượng phù hợp với muối iot.