Chị N.T.B. – 36 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP.HCM – chia sẻ dù đã tới ngày phải đi làm nhưng chị cảm thấy trong người khá uể oải. Những ngày bình thường, chị luôn dậy lúc 4h30 – 5h sáng để chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà, tập thể dục, sau đó đưa con đến trường. Thế nhưng nhiều hôm trong dịp nghỉ Tết, 7h30 sáng chị mới thức giấc.
Ảnh hưởng tiêu cực sau một kỳ nghỉ vui vẻ
Dù đón Tết ở ngay trong TP, vẫn môi trường đó nhưng lịch sinh hoạt của gia đình chị B. trong những ngày Tết vẫn bị xáo trộn.
Chuẩn bị Tết, đi chúc Tết, những bữa ăn không đúng giờ, thức khuya, nạp nhiều thực phẩm là những món ăn nhiều chất béo, nhiều đường… làm cơ thể chị B. cảm thấy ì, lười. Chị chỉ thích nằm nghỉ ngơi.
Một nguyên nhân nữa khiến cơ thể kém hoạt bát, theo chị, là do lớp tập thể dục ngoài trời của chị cũng nghỉ từ 27 Tết đến mùng 10 mới hoạt động trở lại. Những ngày Tết nhiều việc, ngủ dậy trễ nên chị B. cũng không tập gì. Người đã oải nay càng thấy mệt hơn.
Anh P.T.L. – 40 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức TP.HCM – kể cơ quan anh đã phải làm việc từ hôm nay nhưng vợ chồng anh xin nghỉ phép đến 19-2 (mùng 10) mới đi làm lại. Hiện cả nhà anh vẫn đang du xuân trên Đà Lạt.
Những ngày Tết, anh thấy người lúc nào cũng mệt, như đang buồn ngủ. Ở nhà, anh phải tiếp khách, chúc Tết cũng uống bia, rượu. Còn khi tự lái xe đưa cả nhà đến Đà Lạt chơi, ghé cảnh đẹp này, xem cảnh đẹp kia, ăn nhà hàng này, ăn nhà hàng kia anh cũng thấy mệt không kém.
Tập thể dục từ mắt đến tay, chân
TS Lê Thúy Tươi, chuyên gia phòng chống bệnh béo phì, cho biết nhiều người không chỉ uể oải sau những ngày đón Tết khi ở nhà, mà ngay cả khi đi du xuân cũng thấy mệt mỏi.
Ở nhà những ngày Tết tiếp khách, uống rượu bia, ăn nhiều bánh chưng, bánh tét, nhiều đồ ngọt, ít vận động nên nhiều người có xu hướng tăng cân, dễ làm cho cơ thể trở nên ì, trì trệ.
Còn khi đi du xuân, dù đi nhiều nhưng cũng ăn nhiều, chưa kể còn bị kẹt xe khi di chuyển cũng làm cho tinh thần, cơ thể dễ mệt mỏi.
Để lấy lại năng lượng và tinh thần làm việc sau Tết, theo TS Tươi, sau 45 phút làm việc cần tập thể dục từ mắt đến tay chân… Cụ thể nhắm mắt 10 giây sau đó lại mở mắt ra, tập nhiều lần như vậy. Sau đó, đi lại và tập các động tác thể dục.
Với những nhà còn bánh chưng thì nên ăn bánh vào bữa sáng và cũng không nên ăn nhiều, nên ăn bánh chưng luộc, ít nên ăn bánh chưng chiên vì bánh đã béo nay thêm dầu mỡ càng có nhiều chất béo.
Ngoài ra, nên uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo, các thực phẩm nhiều đường, ngủ sớm và nên dành thời gian tập luyện trở lại.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương – trưởng khoa nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – cho biết những ngày Tết nhiều người ăn không đúng giờ, ngủ không đúng giờ.
Nhiều người ăn ngủ theo ý mình, thức khuya đến 1-2 giờ sáng, dậy trễ, ăn không đúng bữa, đi chúc Tết ăn mỗi nhà một chút, có thể 9 – 10h mới ăn sáng, 1 – 2h chiều mới ăn trưa…
Nhiều ngày không ăn – ngủ đúng giờ đã làm cho cơ thể bị rối loạn nhịp sinh học trong người, thay đổi chu kỳ sinh học khiến mọi người mệt mỏi. Để trở về nhịp sinh hoạt như những ngày thường trước đó, theo bác sĩ Lưu Phương, cần có thời gian điều chỉnh lại. Những người trẻ mất từ 2-3 ngày, còn người trên 50 tuổi phải mất cả tuần mới điều chỉnh lại được.
Để điều chỉnh nhịp sinh học này, theo bác sĩ Lưu Phương, sau bữa cơm tối không nên ăn quá no, hạn chế uống trà, cà phê và nên nghe nhạc thư giãn.
Trước khi đi ngủ, những người không bị bệnh đau dạ dày, trào ngược có thể uống 50-100ml rượu vang giúp cơ thể thư giãn, có cảm giác hơi buồn ngủ, dễ đi ngủ sớm.
Ngoài ra, rượu vang giúp tăng lượng chất béo tốt, tránh xơ vữa động mạch, giảm huyết áp. Trong rượu vang có chất chống oxy hóa nên còn bảo vệ tim mạch.
Buổi sáng thức dậy, tùy từng người có thể uống trà, cà phê, tập thể dục nhẹ nhàng để khởi động một ngày mới.
Một hai ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ Tết dài, sẽ cảm thấy mệt mỏi nhất lúc đầu giờ chiều. Do vậy, bữa ăn trưa cũng không nên ăn quá no, tranh thủ ăn trưa xong nên nằm nghỉ, chợp mắt 5-10 phút để có thể hồi phục nhịp sinh học.