Lần đầu tiên trên thế giới, một đứa trẻ mắc loại ung thư não chết người được gọi là u thần kinh đệm cầu não lan tỏa (DIPG) đã được chữa khỏi hoàn toàn, theo trang tin IFL Science.
Lucas, đến từ Bỉ, được chẩn đoán mắc bệnh khi mới 6 tuổi. Trong lúc tuyệt vọng, cha mẹ Lucas đã đưa em đến Pháp đăng ký tham gia chương trình nghiên cứu Y sinh học để diệt trừ DIPG (BIOMEDE).
Được khởi xướng vào năm 2014, BIOMEDE đã so sánh hiệu quả của 3 loại thuốc trị ung thư khác nhau – erlotinib, everolimus và dasatinib. Tuy nhiên, điều quan trọng là trước tiên các nhà nghiên cứu phải dùng kim lấy một mảnh nhỏ của khối u trên mỗi bệnh nhân để tiến hành sinh thiết và phân tích hồ sơ phân tử của từng bệnh ung thư.
Điều này giúp bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc phù hợp nhất dựa trên kết quả sinh thiết của từng bệnh nhân. Lucas là một trong 233 bệnh nhân DIPG được đưa vào nghiên cứu và điều trị bằng everolimus.
Phát biểu với Hãng tin AFP, tiến sĩ Jacques Grill, trưởng nhóm nghiên cứu của BIOMEDE, nói: “Lucas đánh bại mọi khó khăn” và ở tuổi 13 em đã chiến thắng bệnh ung thư. Ông Grill cho biết: “Qua một loạt phim chụp MRI, tôi quan sát thấy khối u đã biến mất hoàn toàn”.
Cùng lúc với Lucas, 7 đứa trẻ khác mắc DIPG cũng được cho dùng thuốc điều trị tương tự. Nhưng các em này chỉ sống được thêm vài năm nữa. Chỉ có khối u của Lucas biến mất.
Vì sao Lucas đáp ứng tốt với thuốc, trong khi những đứa trẻ khác thì không? Các bác sĩ cho rằng có thể điều này cũng phụ thuộc vào “đặc điểm sinh học” của từng khối u.
Nếu nhóm nghiên cứu có thể tái tạo thành công các đặc điểm sinh học được tìm thấy trong DIPG của Lucas, họ có thể sử dụng các tế bào được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm này để thử nghiệm các loại thuốc mới.
Điều này có vẻ thú vị, nhưng ông Grill nói rằng việc điều trị hiệu quả căn bệnh này vẫn còn rất xa, vì thuốc cần có một quá trình dài thử nghiệm đến khi được sử dụng rộng rãi.
Ông nói: “Trung bình, phải mất 10 – 15 năm kể từ lần đầu tiên thuốc được thử nghiệm đến khi trở thành thuốc thực sự – đó là một quá trình lâu dài và kéo dài”.