Trà gừng, nước hầm xương, chuối… giúp giảm các triệu chứng do dạ dày nhạy cảm, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích.
Dạ dày nhạy cảm là tình trạng nhiều người gặp phải, các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu. Nhiễm norovirus cũng khá phổ biến, mỗi năm có khoảng 685 triệu người trên thế giới mắc phải. Bệnh gây đau dạ dày, chuột rút ở bụng, chán ăn, buồn nôn và nôn, tiêu chảy. Norovirus là loại virus dạ dày và ruột, dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bệnh.
Kim chi, sữa chua, miso, trà kombucha cung cấp men vi sinh ở dạng vi khuẩn sống có lợi, giúp ngăn chặn hại khuẩn trong đường ruột. Người có vấn đề về tiêu hóa ăn thực phẩm lên men có thể cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, tiêu hóa tốt hơn.
Đánh giá công bố năm 2023 của Viện Đông y Hàn Quốc và một số đơn vị, dựa trên 11 nghiên cứu, cho thấy tiêu thụ kim chi hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích. Kim chi còn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe nói chung.
Người có dạ dày nhạy cảm cần tránh rau sống, salad, nhất là rau họ cải vì chúng gây khó tiêu; thay vào đó nên ăn rau nấu chín mềm. Ví dụ bí xanh, cà tím nấu chín có lợi cho người mắc hội chứng ruột kích thích. Rau hấp, luộc ăn cùng với cơm trắng và protein nạc lành mạnh cho người có dạ dày nhạy cảm.
Nước hầm xương giúp giảm đau dạ dày vì nó dễ tiêu, không gây kích ứng đường ruột. Theo Tổ chức Crohn và Viêm đại tràng Mỹ, nước hầm xương có đặc tính chống viêm làm giảm các triệu chứng viêm loét đại tràng.
Nước hầm xương có thể tăng cường sản xuất collagen để phục hồi niêm mạc đường tiêu hóa, nhất là ở người già do tác động của tuổi tác. Collagen trong nước hầm xương còn cải thiện độ đàn hồi của da và sức khỏe khớp.
Trà gừng có tác dụng giảm buồn nôn. (Ảnh: Freepik).
Trà bạc hà và trà gừng làm dịu cơn đau dạ dày, giảm đau bụng. Đánh giá năm 2000 của Đại học Exeter, Anh, dựa trên 5 nghiên cứu, chỉ ra gừng làm dịu buồn nôn do dạ dày nhạy cảm, ốm nghén, hóa trị hoặc thuốc. Hít mùi bạc hà cũng làm giảm cảm giác buồn nôn.
Uống trà thảo mộc còn giữ nước vì mất nước gây đau bụng, mệt mỏi và các vấn đề đường tiêu hóa khác.
Kefir là thức uống làm từ sữa lên men bằng nấm sữa Tây Tạng giống như sữa chua loãng, chứa khoảng 12 chủng vi khuẩn sinh học giúp ích cho đường ruột.
Theo nghiên cứu năm 2018 của Đại học Istanbul Aydın, Thổ Nhĩ Kỳ, 45 người bệnh viêm ruột uống 400 ml kefir mỗi ngày trong 4 tuần làm thay đổi vi khuẩn đường ruột tốt hơn, bớt đau bụng, đầy hơi, dạ dày khó chịu và tần suất đi đại tiện.
Kefir còn giàu canxi, protein và vitamin B tốt cho sức khỏe xương và hỗ trợ tạo ra năng lượng duy trì hoạt động bình thường.
Chuối mềm và dễ tiêu hóa thích hợp cho người có dạ dày nhạy cảm, mắc hội chứng ruột kích thích.
Theo Trường Y Umass Chan, Mỹ, chuối giàu chất xơ prebiotic giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn đường ruột, cân bằng giữa vi khuẩn tốt và xấu, cải thiện tình trạng viêm nhiễm ở người bệnh viêm ruột. Trái cây này còn chứa kali, magie, vitamin C, B6 cần thiết cho sức khỏe tổng thể.
Lê cung cấp chất xơ dồi dào thúc đẩy vi khuẩn tốt trong ruột già phát triển, góp phần duy trì đường tiêu hóa khỏe mạnh. Người bị táo bón ăn lê, mận khô và chà là đi tiêu dễ dàng hơn, giảm khó chịu ở dạ dày.
Người mắc hội chứng ruột kích thích nên hạn chế lê vì một số loại đường có thể gây ra vấn đề đường ruột; thay vào đó nên chọn nho, cam và dâu tây.