Mối liên hệ khó ngờ giữa tỷ lệ tự tử và chất lượng không khí

Dữ liệu quan trắc ở Trung Quốc cho thấy tỷ lệ tự tử tăng khi chất lượng không khí giảm và kế hoạch giảm ô nhiễm không khí của nước này đã ngăn ngừa hàng chục nghìn vụ tự tử chỉ trong vài năm.

Một nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu thu thập từ 1.400 trạm quan trắc không khí ở Trung Quốc đã chỉ ra rằng tỷ lệ tự tử ở nước này tăng khi chất lượng không khí giảm, và nhờ có kế hoạch toàn quốc do Chính phủ chỉ đạo nhằm giảm ô nhiễm không khí, chỉ trong vài năm, hàng chục nghìn ca tự tử đã không xảy ra.

Ở Trung Quốc có một vài thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Những thành phố này bị bao phủ trong làn sương mù dày đặc của khói bụi mà hàng triệu cư dân đô thị phải hít thở mỗi ngày.


Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc. (Ảnh: d3sign/Getty Images).

Khoảng 16% tổng số các vụ tự tử trên thế giới là xảy ra ở Trung Quốc. Trong vài năm gần đây, tỷ lệ này tại Trung Quốc đã giảm xuống đáng kể nhờ một số lý do, trong đó có thu nhập tăng lên và chuyển biến về văn hóa.

Mặc dù vậy, nghiên cứu của một nhóm các nhà kinh tế học dựa trên phân tích kết hợp cả dữ liệu chất lượng không khí và các báo cáo về tình hình tự tử đã cho thấy rõ ràng hơn bao giờ hết mối liên hệ mật thiết giữa chất lượng không khí kém và tỷ lệ tự tử ở nước này.

Năm 2013, Trung Quốc phải đối mặt với “nhiệm vụ nặng nề phải kiểm soát ô nhiễm không khí” và chính phủ đã đưa ra Kế hoạch Hành động Phòng ngừa và Kiểm soát ô nhiễm không khí nhằm hạn chế các nguồn gây ô nhiễm công nghiệp, quản lý phát thải do phương tiện giao thông, thúc đẩy chuyển đổi từ dùng than sang dùng khí tự nhiên để sưởi ấm và khuyến khích chuyển đổi sang điện gió và điện mặt trời.

Những giải pháp này đã giúp Trung Quốc có những cải thiện rõ rệt về chất lượng không khí.

Cùng thời gian đó, tỷ lệ tự tử cũng giảm đáng kể trên toàn quốc. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh Trung Quốc cho biết từ năm 2010 đến năm 2021, tỷ lệ tự tử mỗi năm giảm từ 10,88 xuống còn 5,25 vụ/100.000 dân.

Nhà kinh tế học Bằng Chương ở Trường đại học Trung Hoa cùng các đồng nghiệp đã tận dụng những xu hướng nổi bật này để tìm hiểu xem liệu có thể tách biệt các tác động của ô nhiễm không khí lên nguy cơ tự tử với các yếu tố khác liên quan đến tự tử hay không.

Họ đã tìm kiếm và rà soát kỹ dữ liệu về chất lượng không khí theo tuần và đi sâu vào hiện tượng khí tượng gọi là nghịch nhiệt khiến ô nhiễm không khí ở gần mặt đất bị giữ lại trong một lớp không khí lạnh bị lớp nóng hơn ở bên trên kìm hãm.

Các nhà khoa học nhận thấy sự đảo ngược này thường chỉ kéo dài vài giờ, nhưng có thể tăng nồng độ trung bình tuần của các hạt mịn trong không khí lên khoảng 1%.

Nghiên cứu trước đó cũng phát hiện ra rằng những hạt mịn này có thể di chuyển thẳng lên não, làm biến đổi hoạt động hóa học của não trong vòng 24 giờ, dẫn đến suy giảm sức khỏe tâm thần và có thể làm suy yếu việc điều hòa cảm xúc của con người về lâu dài.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ tự tử tăng lên rõ ràng trong vòng một tuần sau khi xảy ra hiện tượng nghịch đảo nhiệt, nhưng hiệu ứng này không kéo dài quá 7 ngày. Báo cáo nghiên cứu viết: “Đây là những vụ tự tử bổ sung, tức là những cái chết lẽ ra không bao giờ xảy ra nếu chất lượng không khí không suy giảm.”

Điều đáng mừng là gần đây nhờ giảm ô nhiễm không khí, xu hướng tự tử ở Trung Quốc cũng giảm xuống khoảng 10%.

Các nhà nghiên cứu ước tính từ năm 2013 đến năm 2017, nhờ những nỗ lực làm sạch bầu trời, Trung Quốc đã ngăn chặn được gần 46.000 ca tử vong do tự tử. Báo cáo nghiên cứu viết: “Mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi mở liên quan đến mối liên hệ giữa chất lượng không khí, sức khỏe tâm thần và việc tự tử, nhưng phân tích này gióng lên hồi chuông kêu gọi các chính sách kiểm soát ô nhiễm toàn cầu”.

Nghiên cứu nói trên mới chỉ giới hạn ở Trung Quốc và mới chỉ cho thấy mối tương quan giữa bầu khí quyển không trong lành với tỷ lệ tự tử, nhưng tất cả chúng ta cũng nên để ý đến những kết quả nghiên cứu này trong tình hình không nơi nào trên Trái đất còn liên tục giữ được không khí ở mức độ an toàn nữa.