Tại sao giảm cân lại có da thừa?
Mắc bệnh đái tháo đường từ nhỏ, dẫn tới rối loạn chuyển hóa, cơ thể tích mỡ khác với người có sức khỏe bình thường, Nhân (27 tuổi, trú tại TP.HCM) cao 1m67 nhưng nặng tới 230kg.
Cân nặng quá khổ khiến Nhân đi lại khó khăn, có gai đen dày kín da, sức khỏe suy giảm, biến chứng thoát vị, thoái hóa cột sống khiến nam thanh niên không thể cúi xuống.
Khi nhận thấy những dấu hiệu sa sút về sức khỏe, Nhân đã quyết tâm giảm cân theo lộ trình dành riêng. Nhân cũng từ bỏ những thực phẩm gây tăng cân, đồng thời tập luyện cải thiện cân nặng, hệ hô hấp và tiêu hóa.
Sau một thời gian nỗ lực, Nhân đã giảm từ 230kg xuống còn 170kg. Vì đã giảm 60kg nên cơ thể Nhân xuất hiện nhiều phần da và mỡ thừa, các lớp da và mỡ nung núc, chảy sệ. Anh cũng đặt mục tiêu giảm khoảng 150kg, về mốc 80kg.
Lý giải về tình trạng da thừa sau khi giảm cân, TS Tống Hải, chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), cho biết da dư thừa thường xuất hiện khi giảm nhiều cân nặng trong thời gian ngắn.
Bản chất của phần da dư thừa sau giảm cân là do bình thường da của bạn căng ra để bao bọc hết toàn bộ lượng mỡ của cơ thể. Khi giảm cân, phần da này sẽ bị giảm độ đàn hồi, khiến da bị chùng xuống.
Một số yếu tố làm tăng khả năng có da thừa như giảm cân quá nhanh khiến da ít các sợi đàn hồi hơn, dẫn đến da sẽ yếu và khó co rút hơn.
Bên cạnh đó còn do yếu tố tuổi tác. Tương tự như các cơ quan khác trong cơ thể, khi tuổi càng cao, thành phần collagen sẽ bị thoái hóa và yếu đi. Điều này lý giải cho việc người lớn tuổi thường có da nhăn nheo.
“Nhờ khả năng đàn hồi của da, những người giảm cân vừa phải, trẻ tuổi, phần da này sẽ biến mất sau một thời gian. Tuy nhiên, ở một số người với lượng da thừa quá lớn do giảm cân nhiều, lớn tuổi có thể cần can thiệp phẫu thuật để cắt bỏ”, TS Hải thông tin.
“Như trường hợp của chàng trai này sẽ phải phẫu thuật cắt da thừa. Tuy nhiên BMI hiện tại của Nhân là gần 60, không đáp ứng các tiêu chí trong phẫu thuật gây mê và loại bỏ phần da thừa, mỡ thừa. Vì thế, với trường hợp này hiện tại chưa có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ da thừa và mỡ thừa.
Khi cân nặng của Nhân giảm xuống còn khoảng 100-115kg, BMI từ 35 – 40 là có thể phẫu thuật”, ông Hải nói.
Làm sao để giảm thiểu da thừa khi giảm cân?
Theo bác sĩ Hải, để hạn chế tình trạng da thừa sau giảm cân cần chú ý giảm cân từ từ. Bên cạnh đó, trong quá trình giảm cân nên luyện tập liên tục để đốt cháy mỡ một cách tự nhiên, kết hợp mặc các áo định hình và các tất định hình ngay sau quá trình tập luyện.
Điều này giúp khi phần mỡ thừa tiêu đi, phần chun giãn của cơ da được đều đặn, giúp tình trạng da thừa ít nhất. Bạn cũng nên bổ sung các vi chất dinh dưỡng làm tăng tính đàn hồi của da như collagen, vitamin E và C.
Trong trường hợp người giảm cân nhanh trong thời gian ngắn, lượng da thừa quá lớn, tùy từng tình trạng bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Trong đó, có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ da thừa.
Hầu hết toàn bộ da thừa trên cơ thể đều có thể cắt bỏ, trừ một số vị trí không nên phẫu thuật như phần khớp vận động. Bởi khi cắt da ở bộ phần này quá nhiều có thể gây ra sẹo co kéo làm hạn chế vận động khớp.
Ông Hải cũng cảnh báo phẫu thuật cắt da thừa là kỹ thuật khó, tiềm ẩn nguy cơ vết thương chậm liền, thậm chí không lành sẽ có thể để lại sẹo xấu sau phẫu thuật.
“Bởi vậy khi quyết định cắt da thừa sau khi giảm cân, bạn cần gặp bác sĩ về phẫu thuật tạo hình để tư vấn. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tư vấn những mặt lợi, mặt hại và sẽ lên kế hoạch phẫu thuật cụ thể.
Đồng thời, trước khi phẫu thuật phải được khám và xét nghiệm toàn bộ, bởi bác sĩ gây mê đảm bảo cuộc mê kéo dài bao nhiêu thời gian và phối hợp cùng với bác sĩ phẫu thuật đảm bảo cho quá trình cắt da thừa được an toàn, hiệu quả”, bác sĩ Hải khuyến cáo.