Người phụ nữ mắc ung thư này đã trải qua 28 ngày điều trị và phẫu thuật để loại bỏ khối u.
Dấu hiệu ung thư không ai ngờ tới
Jelena Tompkins, đến từ bang Colorado (Mỹ), đã chia sẻ câu chuyện của mình nhằm khuyến khích những người khác không bỏ qua các triệu chứng dù là đơn giản nhất.
Năm 2016, bà mẹ một con này chỉ mới 34 tuổi. Đó là lần đầu tiên Tompkins nhận ra sự thay đổi trên cơ thể mình nhưng nhanh chóng gạt bỏ lo lắng, vì nhìn chung thời điểm đó cô rất khỏe mạnh.
Tompkins cho biết cô thấy hơi thở của mình nặng mùi hơn bình thường, nhưng cho rằng nguyên nhân do chế độ ăn uống. Cô bắt đầu dùng men vi sinh để cải thiện vi khuẩn đường ruột, nhưng mùi hôi vẫn không cải thiện.
Là người đam mê chạy bộ và có lối sống lành mạnh, Tompkins không hề lo lắng về hơi thở có mùi của mình, cho đến khi cô thấy trong phân có máu.
Vài tháng sau, trong lần khám sức khỏe định kỳ hằng năm, cô nói với bác sĩ về tình trạng máu trong phân. Kể cả bác sĩ cũng đoán rằng nguyên nhân là do chế độ ăn uống của cô.
Ba tháng sau, các bác sĩ bắt đầu thực hiện các xét nghiệm để xác định xem Tompkins có đang ăn một loại thực phẩm cụ thể nào đó khiến hệ tiêu hóa của cô bị rối loạn hay không. Điều này dẫn đến việc cô phải nội soi. Kết quả đáng buồn, Tompkins phát hiện cô bị ung thư trực tràng giai đoạn 3.
Không có tiền sử gia đình mắc ung thư
Người mẹ nói với trang The Patient Story: “Tôi đang ở thời kỳ đẹp nhất trong cuộc đời. Tôi ăn uống lành mạnh và chưa bao giờ nghĩ rằng căn bệnh ung thư sẽ tấn công mình ở độ tuổi trẻ như vậy”. Cô đã trải qua 28 ngày xạ trị và hóa trị, sau đó là phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Tompkins đã phải cắt bỏ 30cm ruột kết và 17 hạch bạch huyết, chỉ còn lại 5 hạch ung thư. Sau đó, cô được phẫu thuật mở hồi tràng – thủ thuật tạo lỗ nhỏ ở thành bụng và một đoạn hồi tràng được mở ra da qua lỗ này. 2 tháng sau đợt hóa trị cuối cùng, cô đã phẫu thuật cắt hồi tràng.
Tompkins không có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư. Cô hiện đã thuyên giảm và phải trải qua quá trình hóa trị duy trì cũng như chụp phim hằng năm.
“Lúc đầu tôi đến bệnh viện 3 tháng một lần để chụp CT và xét nghiệm máu, bao gồm CEA (một trong những xét nghiệm tầm soát một số loại ung thư gây tăng nồng độ CEA – PV)”, cô nói.
“Sau đó quy trình này diễn ra 6 tháng một lần và bây giờ tôi chỉ đi mỗi năm một lần để theo dõi xét nghiệm máu và kiểm tra với bác sĩ ung thư của mình”, Tompkins nói thêm.
Người phụ nữ này cho biết các phương tiện truyền thông xã hội đã giúp cô chẩn đoán và tìm thấy hỗ trợ trực tuyến từ những người khác cũng đang mắc bệnh.
“Tôi đã kết nối với rất nhiều người đã điều trị xong hoặc đang điều trị cùng lúc với mình để được hỗ trợ, và biết rằng tôi không phải là phụ nữ trẻ duy nhất trải qua điều này”, Tompkins nói thêm.