Viêm phụ khoa, đừng vì ngại mà đợi đến bệnh nặng mới đi khám

Bác sĩ đang thăm khám phụ khoa cho bệnh nhân nữ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Bác sĩ đang thăm khám phụ khoa cho bệnh nhân nữ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bác sĩ đang thăm khám phụ khoa cho bệnh nhân nữ – Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy 90% phụ nữ Việt Nam độ tuổi sinh sản (15 – 49 tuổi) mắc bệnh phụ khoa ít nhất một lần trong đời, trong đó cứ 100 phụ nữ mắc bệnh thì có 11 người tái nhiễm nhiều lần.

Viêm phụ khoa là bệnh phổ biến, thường gặp ở nữ giới, gây ra các triệu chứng khó chịu, dai dẳng và dễ tái phát nhiều lần.

Viêm phụ khoa nặng có thể ảnh hưởng sinh sản

Bác sĩ Nguyễn Văn Hữu – khoa phụ sản Bệnh viện Quân y 175 – cho biết viêm phụ khoa (viêm âm đạo) là tình trạng nhiễm trùng âm đạo gồm các triệu chứng bao gồm ngứa âm hộ, nóng rát, kích ứng, giao hợp đau, dịch âm đạo có mùi và tiết dịch âm đạo bất thường.

Tình trạng này không chỉ gây khó chịu cho người phụ nữ, giảm chất lượng cuộc sống, nếu nặng dễ gây viêm nhiễm vùng chậu, ảnh hưởng sức khỏe và khả năng sinh sản.

Vì vậy, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời không những giải quyết vấn đề khó chịu cho bệnh nhân, mà bảo tồn khả năng sinh sản, tránh tái phát nhiều lần.

Theo bác sĩ Hữu, nguyên nhân của viêm âm đạo bao gồm: viêm âm đạo do nấm, viêm âm đạo do nhiễm khuẩn, nhiễm trichomonas.

Có nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó các yếu tố nguy cơ mạnh nhất gây nhiễm khuẩn âm đạo như: có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục với nhiều hơn một người, bạn tình mới, quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su, thói quen thụt rửa âm đạo…

Ngoài ra, tỉ lệ nhiễm viêm âm đạo tăng trong các giai đoạn thay đổi nội tiết của người phụ nữ: thời kỳ kinh nguyệt, thiếu hụt estrogen ở độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, phẫu thuật cắt buồng trứng, suy – mất chức năng buồng trứng, các bệnh lý mạn tính, suy giảm miễn dịch…

Viêm phụ khoa có biểu hiện gì?

Theo bác sĩ Hữu, đối với viêm âm đạo do nấm, đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiết dịch âm đạo bất thường ở bệnh nhân độ tuổi sinh sản và có tỉ lệ cao hơn ở phụ nữ Mỹ da đen, Tây Ban Nha và Mexico. Thói quen thụt rửa âm đạo và nhiều bạn tình làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo.

Bệnh nhân nhiễm khuẩn âm đạo có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm trùng khác đường sinh dục nữ như: viêm vùng chậu, nhiễm trùng sau thủ thuật phụ khoa, tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV và HSV…

Tiếp đến viêm âm hộ – âm đạo do Candida sp là tình trạng nhiễm trùng âm đạo do nấm Candida. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ 2 sau vi khuẩn, 29 – 49% phụ nữ từng trải qua một lần viêm âm đạo do nấm.

Các bác sĩ khuyến cáo để tránh viêm phụ khoa cần sống chung thủy một vợ một chồng, khi quan hệ tình dục nên dùng bao cao su, tránh các thói quen thụt rửa âm đạo, mặc đồ lót vải cotton, trách mặc đồ quá chật, sử dụng đồ cotton thoáng mát, thông thoáng cho vùng kín…

Tiêm chủng trước những bệnh có nguy cơ lây truyền qua đường tình dục mà có thể phòng ngừa bằng vắc xin.

Khi chị em phát hiện vấn đề bất thường vùng kín của mình như: tiết dịch âm đạo bất thường màu sắc xám, vàng, xanh hoặc mùi tanh, hôi; ngứa âm hộ âm đạo; cảm giác nóng rát, kích ứng, quan hệ đau… nhanh chóng đến gặp bác sĩ sản phụ khoa uy tín càng sớm càng tốt để được tư vấn và thăm khám.

Đặc biệt, không nên tự đi mua thuốc mà chưa rõ tình trạng viêm âm đạo, vì cần chẩn đoán rõ nguyên nhân, mức độ và tùy tình trạng cá nhân, nếu tự điều trị có thể làm bệnh nặng hơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền – phó khoa sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) – cho biết một số thói quen trong sinh hoạt hằng ngày có thể gia tăng bệnh lý viêm nhiễm như vệ sinh vùng kín không đúng cách (nhiều chị em có thói quen ngâm hay rửa vùng kín từ hướng ngược đằng sau ra đằng trước, điều đó vô tình làm vi khuẩn có sẵn từ hậu môn xâm nhập vào vùng kín), hút nạo phá thai, chế độ sinh hoạt và làm việc không hợp lý…

THU HIẾN