Ghi nhận tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) ngày 15-3, rất đông người dân ở mọi độ tuổi đến tiêm vắc xin phòng bệnh, trong đó có 90% tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Bên trong phòng tiêm chủng, nhiều bệnh nhân được khám và tư vấn, tiêm huyết thanh, tiêm vắc xin phòng bệnh dại, bệnh uốn ván… Với những bệnh nhân có vết thương sâu do chó, mèo cắn, sau khi được tiêm chủng sẽ được xử lý ngay tại khoa cấp cứu.
Bàn tay chi chít vết thương từ sâu đến nông do mèo nhà cắn, bà Phạm Thị Vân (65 tuổi, ngụ quận 6) đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiêm mũi thứ 2 vắc xin phòng dại vào trưa 15-3. Ngày 12-3, bà đã tiêm mũi 1. Theo phác đồ, bà Vân còn 3 mũi tiêm phòng bệnh dại nữa.
Cũng đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khi vết thương chó cắn rỉ máu, đau nhức, anh Thạch Thắng (30 tuổi, ngụ quận 6) được nhân viên y tế tư vấn và tiêm ngay mũi vắc xin phòng dại.
Tuy nhiên, anh Thắng và gia đình xử lý vết thương chó cắn tại nhà còn sai cách nên các bác sĩ cảnh báo không được tiếp tục thực hiện. “Chỗ vết thương chó cắn, tôi và người nhà thoa dầu gió, nặn máu, quẹt lọ nghẹ. Bây giờ biết mình xử trí sai”, anh Thắng nói.
Lý giải số lượt tiêm vắc xin phòng dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tăng sau Tết, bác sĩ CKII Danh Thơm – phó trưởng khoa khám bệnh của bệnh viện – cho rằng thời tiết sau Tết nắng nóng kéo dài, đây là thời điểm thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Cùng với thói quen thả rông, không rọ mõm chó, mèo khiến nhiều người bị cắn hơn.
Bác sĩ Thơm nhấn mạnh hiện bệnh dại không có thuốc chữa đặc trị. Khi bệnh nhân được xác định mắc bệnh dại thì tỉ lệ tử vong 100%.
“Nếu bị chó, mèo cắn/cào, người bệnh cần xử trí vết thương (rửa bằng nước sạch khoảng 15 phút, nếu có dung dịch i ốt hay cồn 70 độ thì sát trùng thêm) và đến các cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt” – bác sĩ Thơm nói và khẳng định khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp nhận tiêm ngừa dại mũi đầu tiên cho người dân 24/24h.