Không chỉ các con thức khuya, học đến mệt trong thời gian ôn thi, mà nhiều bậc cha mẹ cũng lo lắng, mệt nhoài theo.
Ôn thi từ 3h sáng
Anh P.Đ.Đ. (44 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức, TP.HCM) kể con gái anh năm nay học lớp 12. Con anh mới trải qua cuộc thi đánh giá năng lực đợt 1, thi học kỳ 2. Giờ con lại tiếp tục ôn để thi cuộc thi đánh giá năng lực lần 2 do lần đầu chỉ được 700 điểm.
Con gái anh luôn lo lắng về việc học nên thường thức khuya dậy sớm. Trước đây, 4h30 – 5h30 con mới thức dậy học, những tuần gần đây con luôn để báo thức 3h sáng dậy học bài.
Do đêm hôm trước con đã thức khuya học, lại đang tuổi ăn tuổi ngủ nên dù con để chuông báo thức 3h sáng dậy học nhưng nhiều hôm không thể dậy nổi. Thế là chuông cứ kêu inh ỏi làm “náo loạn” cả nhà.
Anh Đ. khuyên con không nên để đồng hồ báo thức sớm, không nên dậy quá sớm như vậy nữa nhưng con gái anh không đồng ý. Con nói con còn rất nhiều bài tập, con phải dậy sớm. Vậy là mọi chuyện cứ diễn ra như cũ. Vợ chồng anh đều mệt nhoài và cùng mong thời gian ôn thi này trôi qua thật nhanh.
Còn gia đình chị N.T.V. (40 tuổi, ngụ ở quận 10) lại “cực” theo một cách khác. Năm nay con gái chị V. tính thi vào lớp chuyên Anh nên phải học thêm các môn như toán, văn, tiếng Anh.
Chỉ riêng môn toán, con chị học 4 buổi/tuần, tiếng Anh 2 buổi/tuần, văn 1 buổi/tuần. Một tuần có 7 ngày thì 7 buổi tối con chị phải đi học thêm. Hai vợ chồng chị thay nhau chở con đi học thêm.
Thường 8h – 9h tối con mới về đến nhà và mới ăn bữa tối nên chị cũng luôn phải nghĩ những món bổ dưỡng, dễ ăn để nấu cho con. Cả gia đình chị V. đều hy vọng năm nay con gái sẽ đỗ vào chuyên Anh.
“Nếu không học thêm như vậy, con khó thi đỗ được vào lớp chuyên của trường chuyên. Muốn thi được, ba môn đều phải giỏi”, chị V. chia sẻ.
Theo chị V., gia đình chị chưa khi nào căng thẳng và bận rộn như những ngày gần đây. Vì ngoài bé lớn chị còn có bé nhỏ năm nay học lớp 5, chuẩn bị lên lớp 6. Một mình con chị ôn thi nhưng cả nhà đều bận rộn, căng thẳng.
Còn chị N.T.K. (36 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh) có một cậu con trai đang học lớp 4, kể mỗi khi đến những ngày thi học kỳ chị cũng mệt nhoài theo con. Chị dạy con học, kiểm tra bài cho con. Ngày nào hai mẹ con cũng “đánh vật” với bài vở đến 11h đêm.
Đi ngủ sớm để giữ sức khỏe, tránh áp lực
Chị N.T.L. (44 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận) có con học đại học năm thứ nhất kể con chị đã trải qua thi lớp 10, thi tốt nghiệp và vào đại học một cách nhẹ nhàng dù sức học của con chị chỉ là khá.
Ngày con chị học lớp 9, con chị xếp hạng 20 trong lớp nhưng điểm thi vào lớp 10 lại cao nhất trong lớp làm rất nhiều bạn bè và thầy cô trong trường ngạc nhiên.
Dù con chị học cuối cấp hay không, chị L. đều áp dụng nguyên tắc cho con đi ngủ sớm. Con chị không bao giờ được học quá 22h, chị khuyến khích 21h con đã đi ngủ.
Từ nhỏ chị đã tập cho con đi ngủ sớm nên con chị cũng có thói quen này. Theo chị L., các bé đang tuổi ăn tuổi lớn, phải ngủ thật ngon giấc thì hôm sau đi học mới tiếp thu bài vở tốt được.
Chị L. cho rằng muốn thi tốt con phải có sức khỏe và một tinh thần tốt. Ngoài đi ngủ sớm, chị cũng nấu các món ăn tốt cho sức khỏe cho bé ăn.
Ngoài ra, ngày nào bé cũng phải hoạt động. Sáng và chiều bé tự đạp xe đi học, trường học cách nhà 4km. Khi về đến nhà bé còn bơi tại hồ bơi của chung cư.
Khi con chị L. chọn nguyện vọng thi vào trường cấp 3, chị phân tích cho con về các nguyện vọng và nói “con cứ cố gắng hết sức, còn thi xong đỗ vào nguyện vọng nào cũng được. Mẹ không trách con vì con đã làm hết sức của mình rồi. Cuộc sống này có nhiều con đường để đi”.
Con chị kể trong lớp con có nhiều bạn học rất giỏi nhưng do ôn luyện quá căng, thường xuyên thiếu ngủ, tâm lý lo lắng… Đến gần ngày thi, có bé bị bệnh, có bé bị mệt, có bé vào phòng thi với tâm lý không tốt nên kết quả thi cuối cùng lại không được như ý.
Còn con chị L. đi thi trong tâm lý rất thoải mái, sức khỏe tốt, nên khi vào phòng thi đã làm bài rất tốt. Kết quả thi năm đó, con đã thi đỗ vào trường chuyên có tiếng của TP làm rất nhiều người bất ngờ, trong đó có cả chị L..