Chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tăng cường vận động, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử có thể phòng ngừa béo phì ở trẻ.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo nếu không có bất kỳ hành động can thiệp nào, ước tính Việt Nam sẽ có khoảng 1,9 triệu trẻ em béo phì vào năm 2030.
ThS.BS Phạm Thị Hồng, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trẻ béo phì tăng nguy cơ dậy thì sớm và bệnh lý không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, gout, thoái hóa khớp, hội chứng ngưng thở khi ngủ, ung thư, đột quỵ… Béo phì ở trẻ em nặng nề hơn người lớn do thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến nội tiết và tâm lý, gây gánh nặng chi phí chăm sóc y tế trong tương lai.
Béo phì là kết quả của yếu tố di truyền, môi trường, chế độ ăn và lối sống. Phụ huynh có thể phòng ngừa hoặc cải thiện tình trạng này ở trẻ khi xây dựng chế độ ăn, lối sống khoa học.
Tăng cường vận động và cho trẻ thư giãn để ngăn ngừa béo phì. (Ảnh minh họa: Thanh Ba).
Thói quen ăn nhanh, không nhai kỹ thức ăn, ăn vặt, sử dụng quá nhiều chất béo và chất bột đường, không ăn sáng, hay ăn đêm, nhất là trước khi đi ngủ… là nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì. Trẻ thường bị hấp dẫn bởi những món ăn chế biến sẵn như xúc xích, bim bim, đồ chiên rán, đồ đóng hộp, bánh mì trắng và các đồ ăn vặt khác.
Bác sĩ Hồng cho biết nhiều cha mẹ có quan điểm ăn càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm, trẻ cần được ăn theo khẩu phần phù hợp, tránh dưỡng chất và năng lượng dư thừa chuyển hóa thành mỡ thừa tích tụ dưới da, cơ quan nội tạng.
Cần rèn cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh bằng các món hấp luộc, tăng cường trái cây, rau củ theo mùa. Trẻ cần ăn đúng giờ, đa dạng thực phẩm, đủ dinh dưỡng từ 4 nhóm dưỡng chất (chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất).
Gia đình nên duy trì vận động, cho bé tham gia các môn thể thao như cầu lông, đạp xe, đi bộ, chơi bóng, chạy bộ để gắn kết thêm tình cảm gia đình. Điều này cũng giúp các thành viên nâng cao sức khỏe, tăng độ dẻo dai, hạn chế nguy cơ thừa cân, béo phì. Bác sĩ Hồng khuyến cáo trẻ 6-17 tuổi nên hoạt động thể chất 60 phút mỗi ngày.
Trẻ không ngủ đủ giấc nguy cơ mắc béo phì, đái tháo đường type 2 và các bệnh lý khác. Thời gian tối thiểu khuyến nghị trẻ nên ngủ trong ngày là 8-10 tiếng. Cha mẹ cần tạo thói quen cho trẻ ngủ đúng giờ, phòng ngủ yên tĩnh, giảm ánh sáng, nhiệt độ dễ chịu. Tắt các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ ít nhất một giờ, không cho trẻ ăn quá no, uống chất kích thích trước giờ ngủ.
Sử dụng thiết bị điện tử kéo dài khiến trẻ giảm hoạt động thể chất, ăn uống không lành mạnh (tiêu thụ nhiều nước ngọt, thức ăn nhanh, đồ ngọt, đồ ăn vặt, trà sữa…). Thói quen này cũng khiến bé thường xuyên ngủ muộn – nguyên nhân gây béo phì. Cha mẹ cần hạn chế thời gian trẻ ngồi lâu xem tivi, chơi trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại.
Căng thẳng làm tăng nồng độ hormone cortisol. Hormone này làm trẻ thèm ăn liên tục và ăn nhiều món giàu đường và chất béo. Thư giãn với các trò chơi lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa tình trạng béo phì ở trẻ em.
Bác sĩ Hồng khuyến cáo cha mẹ cần thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao trẻ. Khi có bất thường, cho trẻ khám chuyên khoa Nội tiết để được tư vấn và điều trị kịp thời ngăn ngừa béo phì.