Mặc dù có bằng chứng khoa học cho thấy thôi miên có thể giúp cải thiện một số vấn đề sức khỏe và tâm lý, không có bằng chứng nào về tác động tích cực của nó đến trí nhớ.
Vấn đề là ngay cả khi chúng ta công nhận sự tồn tại của thôi miên một cách mơ hồ, thì hóa ra vẫn có nhiều người hoàn toàn không thể bị thôi miên. Nhà nghiên cứu về thôi miên kiêm Giáo sư Y khoa tại Đại học Stanford, David Spiegel, chia sẻ rằng: “Mặc dù không biết chính xác, ông ước tính khoảng 25% trong số chúng ta thuộc nhóm người không thể bị thôi miên”.
Rõ ràng nghiên cứu về thôi miên cần những người tham gia có thể bị thôi miên. Do đó, nếu các nhà nghiên cứu nói rằng 80% mẫu mang lại giá trị nghiên cứu, dù nghe rất tuyệt đấy, nhưng thực chất nó chỉ áp dụng được cho một nhóm nhỏ người trong số chúng ta.
Vẫn có nhiều người hoàn toàn không thể bị thôi miên (Ảnh minh họa: Leonardo).
Nếu đang thắc mắc mình có thuộc nhóm có thể bị thôi miên không, bạn không cần tìm kiếm đâu xa ngoài Thang đo Độ nhạy cảm Thôi miên Stanford.
Thang điểm Stanford bao gồm một số hoạt động đánh giá dưới sự hướng dẫn của một giám sát viên.
Ví dụ, người tham gia có thể được yêu cầu giơ tay ra. Khi ấy, giám sát viên sẽ gợi ý rằng họ đang cầm một vật nặng, yêu cầu họ hình dung, cảm nhận vật nặng kéo tay họ xuống. Nếu cánh tay của người đó bắt đầu hạ xuống theo lời gợi ý, thì họ đã vượt qua bài kiểm tra này, tức là nhiều khả năng họ thuộc nhóm có thể bị thôi miên.
Mặc dù đó là cách bài kiểm tra lý giải phản ứng của người tham gia, các nhà tâm lý học khác có thế chỉ coi phản ứng này là một dạng khả năng làm theo lời gợi ý hay sự phục tùng. Hay như nhà nghiên cứu thôi miên Graham Wagstaff nói: “Nhiều tranh cãi gay gắt cho rằng, việc coi trạng thái đặc biệt này là kết quả của thôi miên đã thiếu cân nhắc đến sức mạnh của áp lực xã hội và năng lực của một con người bình thường”.
Cũng như nhiều nhà khoa học về tâm lý, ông cho rằng tác động tích cực đôi khi thấy ở những người được cho là đã bị thôi miên có thể bắt nguồn từ những hiện tượng thông thường, như trạng thái thư giãn, tưởng tượng và kỳ vọng.
Bây giờ chúng ta sẽ quay lại với ngữ nghĩa học. Với những người chỉ đơn giản muốn dùng thôi miên như một thuật ngữ bao hàm cả các hiện tượng tâm lý thông thường mà Wagstaff nói đến, đặc biệt là sức mạnh của lời gợi ý, tôi sẽ để họ tiếp tục nghĩ như vậy.
Việc yêu cầu ai đó nhắm mắt lại và nghe hướng dẫn, hình dung ra những điều kỳ diệu, hay không cảm thấy đau, có lẽ cũng mang lại một vài lợi ích. Thư giãn, nhẹ nhàng, tích cực, khuyến khích – tất cả nghe rất tuyệt. Việc đó thậm chí giúp chúng ta tập trung vào những phần khác nhau của não bộ, những hoạt động tri giác khác nhau và những tác nhân kích thích khác nhau. Nó có tác động thực tế, khoa học.
Chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra điều đó mà không cần phải dựa vào trạng thái ý thức hình thành do thôi miên, đầy rắc rối nhưng vô nghĩa.
Những người bị thôi miên dồn sự chú ý vào điều nhà thôi miên nói; họ lựa chọn bị thôi miên và tham gia vào hành vi kéo theo sau đó. Điều này có nghĩa là sự chú ý của họ vẫn được duy trì và hoạt động, cho phép họ thực hiện hành vi và chịu hậu quả tâm lý từ những kích thích họ gặp phải.
Mặc dù có bằng chứng khoa học cho thấy thôi miên có thể giúp cải thiện một số vấn đề sức khỏe và tâm lý, không có bằng chứng nào về tác động tích cực của nó đến trí nhớ. Quan điểm cho rằng thôi miên giúp tăng cường trí nhớ có lẽ đến từ các phương tiện truyền thông – có hàng trăm cuốn sách, chương trình TV và bộ phim khắc họa thôi miên như chìa khóa mở ra những ký ức bị ẩn giấu. Thật không may, điều đó hoàn toàn không đúng.
Nếu gợi ra một sự kiện với người đã rơi vào trạng thái nhạy cảm mà đôi khi được gọi là thôi miên, xác suất họ tưởng tượng và sản sinh ra ký ức giả về những sự việc không có thật sẽ tăng lên đáng kế.
Ví dụ, trong một nghiên cứu từ năm 1962, nhà khoa học y khoa Theodore Barber từ Đại học Boston nhận thấy rằng, trong số những người được dẫn dắt quay lại thời thơ ấu, có nhiều người đã thực hiện hành vi trẻ con và khẳng định họ đang trải nghiệm lại những ký ức thơ ấu.
Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ hơn, phản ứng của những người tham gia được “hồi quy tuổi” này lại không hề khớp với những gì bọn trẻ sẽ làm, nói, cảm nhận hay lĩnh hội. Barber lập luận rằng, đối tượng tham gia có thể cảm thấy như đang được sống lại những ngày thơ ấu, nhưng trên thực tế, trải nghiệm đó chỉ là sự tái hiện một cách sáng tạo, không phải những ký ức được khám phá lại. Tương tự, khi áp dụng trong trị liệu, những câu hỏi gợi mở và thăm dò kết hợp với thôi miên có thể sản sinh ra ký ức giả sống động và phức tạp về sang chấn.