Ông Nguyễn Thiện Nhân: Việt Nam phải ứng phó ngay việc ‘giàu nhưng không sinh con đủ’

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Việt Nam phải ứng phó ngay việc 'giàu nhưng không sinh con đủ' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thiện Nhân – Ảnh: QUANG VINH

Sáng 4-9 diễn ra Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 20, khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Già trước khi giàu

Nêu ý kiến góp ý tại đây, bà Hà Thị Liên – nguyên phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – cho rằng hiện nay ở các thành phố lớn, nhiều gia đình không muốn sinh con thứ hai.

Nếu tư tưởng này còn tồn tại sẽ dẫn đến tình trạng già hóa dân số. Nước ta sẽ “già trước khi giàu” và “chưa giàu đã già hóa”. Đây cũng là vấn đề đáng báo động, cần sự quan tâm, chung tay khắc phục của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng quan điểm này, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân – nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – đã nhắc mục tiêu năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao.

“Nhưng nếu là nước thu nhập cao thì không chỉ có vui đâu, mà sẽ rất lo.

Vì những nước thu nhập cao đang gặp khó khăn, có nhược điểm ta cần tránh, đó là khi đất nước càng giàu, thu nhập bình quân đầu người cao nhưng không tái tạo được con người cho đất nước mình”, ông Nhân nói.

Ông dẫn chứng câu chuyện về Nhật Bản, một quốc gia có thu nhập cao.

Ông Nhân chỉ rõ năm 1972, GDP đầu người của Nhật Bản bằng 50% của Mỹ, nhưng đến năm 1995 bằng 150% của Mỹ. Tức chỉ trong 23 năm, Nhật Bản từ một nước thu nhập bằng một nửa của Mỹ đã vươn lên gấp rưỡi.

Dù coi là kỳ tích, thành công song theo ông Nhân, việc này cũng có hậu quả, khi từ năm 1996 đến nay GDP Nhật Bản không hề tăng trong 28 năm liền. Tức là sau khi làm cú “nhảy ngoạn mục”, hiện nay GDP Nhật Bản bằng 41% của Mỹ.

Thêm vào đó, Nhật Bản có dân số hơn 120 triệu người, dồn hết sức tăng vọt kinh tế nhưng không chú ý đến cuộc sống người dân không đủ điều kiện cần thiết để có gia đình và nuôi được 2 con. Đất nước giàu nhưng người dân không giàu.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, 25 năm sau, thủ tướng Nhật Bản từng tuyên bố khủng hoảng lớn nhất của nước này là khủng hoảng dân số, phải giải quyết bây giờ hoặc không bao giờ.

Câu chuyện thứ hai là của Hàn Quốc. Năm 1975, GDP đầu người của Hàn Quốc bằng 17% của Nhật Bản nhưng năm 2018 bằng 101% của Nhật Bản.

Ông Nhân cho rằng thành tích là quá giỏi nhưng cũng để lại hậu quả nặng nề. Từ năm 2018, GDP nằm ngang, mức sinh ở Hàn Quốc năm vừa rồi còn 0,72. Đồng thời, bộ trưởng Bộ Tư pháp Hàn Quốc từng nói “không có người nhập cư, Hàn Quốc không có tương lai”.

Ông chỉ rõ giàu không phải tiền đề để đất nước chuyển đổi và “chúng tôi nghiên cứu 42 nước có thu nhập cao trên toàn thế giới hiện nay đều không đẻ đủ, bình quân chỉ 1,54 và thời gian không đẻ đủ đã kéo dài 40 năm”.

Cũng theo ông Nhân, hiện nay nước ta đang đứng trước nguy cơ phát triển con người không bền vững, không tái tạo được con người.

Năm 2023, mức sinh của Việt Nam là 1,96 (lần đầu tiên xuống dưới 2). Theo kinh nghiệm thế giới, tỉ lệ sinh dưới 2 sẽ tiếp tục giảm và khó có thể tăng lên.

Từ bài học kinh nghiệm của các nước trên, ông Nhân nhấn mạnh cần hành động ngay. Đồng thời Việt Nam mới chỉ mất 1 năm, nên phải ứng phó ngay với việc “giàu nhưng không sinh con đủ”.

Về mục tiêu phát triển đất nước, ông Nhân kiến nghị 4 nội dung gồm người dân hạnh phúc; đất nước giàu mạnh; dân tộc trường tồn và dân chủ, công bằng, văn minh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Việt Nam phải ứng phó ngay việc 'giàu nhưng không sinh con đủ' - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Túc – Ảnh: QUANG VINH

Vai trò quan trọng của người dân trong chống tham nhũng

Ông Lê Truyền, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lại chia sẻ việc “chưa bao giờ số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu bị xử lý với nhiều mức độ khác nhau như cho nghỉ, thôi việc, xử lý bằng pháp luật” như trong nhiệm kỳ này.

Ông cho rằng điều này phản ánh kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực, song cũng phản ánh chất lượng đội ngũ cán bộ không ổn định.

Ông Nguyễn Túc, ủy viên đoàn chủ tịch, cũng góp ý cần nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bởi thực tế nhân dân chính là người phát hiện nhiều vụ tiêu cực, tham ô, lãng phí thời gian qua.

“Tôi khẳng định việc muốn hạn chế tham nhũng, tiêu cực thì phải nâng cao hơn nữa vai trò của nhân dân.

Chính những phát hiện của nhân dân, chiếm đến 85%, sau đó các cơ quan nhà nước vào cuộc xử lý”, ông Túc nói và nhấn mạnh vai trò của dân trong phòng chống tham nhũng.

THÀNH CHUNG