Không chỉ cuốn trôi tài sản và đe dọa tính mạng, các thảm họa như bão lũ, hỏa hoạn có thể hành hạ sức khỏe tinh thần của nạn nhân suốt đời.
Năm 2022, Ahren và Jaime Surgent mất tất cả sau khi bão Ian quét ngang Tây Nam Florida (Mỹ). Với sức gió 241 km/h, cơn bão thổi tung cửa sổ và mọi vật dụng có trong nhà.
Các thảm họa thời tiết có thể gây ra tổn thương vật chất lẫn tinh thần cho người dân. (Ảnh: The Washington Post).
Ahren là một lính cứu hỏa ở địa phương với thu nhập trung bình. Anh không đủ khả năng xây lại nhà trong khi công ty bảo hiểm tìm cách không bồi thường thiệt hại sau thiên tai cho anh. Gia đình Ahren phải sống 2 năm trong xe kéo đến khi nhận được một khoản tiền quyên góp từ thiện đủ để xây nhà.
Hàng triệu người khác ở Florida cũng phải xây lại nhà sau cơn bão, trải nghiệm này làm họ kiệt quệ tinh thần lẫn tài chính. Người dân lo sợ những gì mà mùa bão tiếp theo có thể mang đến, theo The Washington Post.
“Nếu nó xảy ra một lần nữa… chúng tôi sẽ cân nhắc đến việc chuyển đi”, Jaime Surgent, 38 tuổi, nói. “Tinh thần của tôi không thể trải qua cơn bão như vậy một lần nữa”.
Căn nhà của Ahren và Jaime Surgent sau khi được xây lại vì bị bão thổi bay. (Ảnh: The Washington Post).
Mọi người thường nghĩ về những tổn thương vật chất và sức khỏe mà một thảm họa thiên nhiên có thể mang đến. Song đa số xem nhẹ những hậu quả về tinh thần. Các nghiên cứu cho thấy tinh thần của những nạn nhân từng trải qua một trận thiên tai, có thể là bão, lũ, động đất…, có xu hướng suy nhược, lo âu, rối loạn căng thẳng và thậm chí là suy giảm nhận thức. Những tổn thương tinh thần có thể kéo dài cả đời.
Bạn bè, gia đình và cộng đồng xung quanh chính là chìa khóa giúp nạn nhân của thiên tai giữ vững tinh thần lẫn nhà cửa trong một kỷ nguyên khủng hoảng khí hậu.
Năm 2014, một cơn bão đã tấn công thành phố Burlington (bang Ontario, Mỹ). Trong một ngày, thảm họa này trút xuống thành một lượng nước ngang với tổng lượng mưa trung bình trong 2 tháng của địa phương. Bão tạo ra lũ quét ngang 3.500 ngôi nhà và làm hư hỏng toàn bộ ôtô đang chạy trên đường.
Blair Feltmate, một nhà nghiên cứu ở Đại học Waterloo, thắc mắc điều gì xảy ra với người dân sau cơn bão. Ông gõ cửa từng nhà và hỏi: Bạn sao rồi? Những câu trả lời cho thấy một kết quả bất ngờ.
“Mọi người cho rằng cơn bão “là điều tồi tệ nhất tôi từng trải qua””, Feltmate nói. Các dữ liệu cho thấy 50% hộ gia đình trải qua bão lũ gặp hội chứng lo lắng cực độ mỗi khi trời mưa. “Họ đang chịu đựng dù cơn bão đã qua”.
Những người từng trải qua thảm họa thời tiết cho biết họ sống trong lo lắng, sợ hãi mỗi khi trời mưa. (Ảnh: iStock).
Một nghiên cứu khác vào năm 2021 cũng cho thấy 50% số người được hỏi cho biết họ vẫn gặp rối loạn căng thẳng sau chấn thương và lo âu sau gần 2 năm lốc xoáy Katrina đi ngang New Orleans. Nghiên cứu cho thấy tổn thương tâm lý có thể hành hạ nạn nhân đến cuối đời.
Không chỉ đối với người trực tiếp trải nghiệm, nghiên cứu của David Laplante cho thấy, thai nhi sẽ bị ảnh hưởng nếu mẹ chúng trải qua một hiện tượng thời tiết cực đoan trong khi mang thai.
Laplante là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu y học dành cho nữ giới. Nghiên của của bà tập trung vào các tác động mà trận bão tuyết năm 1998 ở Canada để lại cho nạn nhân. Bà đã phỏng vấn và nghiên cứu 89 sản phụ và con của họ để xác định hậu quả lâu dài của bão tuyết.
Kết quả, một số đứa trẻ, dù không trực tiếp trải qua cơn bão, cũng gặp vấn đề về rối loạn căng thẳng và có nhận thức phát triển chậm hơn bạn đồng trang lứa. Và nếu mắc vấn đề tâm lý, có khả năng cao rằng chúng sẽ gặp các vấn đề nghiêm trọng và khó giải quyết hơn.
Nghiên cứu của bà Laplante cũng chỉ ra một dấu hiệu tích cực về biện pháp giảm thiệt hại sau cơn bão dành cho người dân. Không phải bà mẹ hay thai nhi nào cũng bị ảnh hưởng vì bão tuyết 1998.
Chỉ 1/3 số thai phụ trong nghiên cứu của Laplante cho biết bão tuyết 1998 là “một trải nghiệm tiêu cực”. Số còn lại miêu tả thảm họa này là một trải nghiệm “trung tính” hoặc “tích cực”. Họ được bạn thân, gia đình và những người xung quanh hỗ trợ, dành thời gian. Những người mẹ này được hưởng lợi từ mạng lưới các mối quan hệ và tài nguyên kinh tế dồi dào. Do đó họ dễ tìm được một nơi trú ẩn an toàn hơn.
Theo The Washington Post, nhân loại đang bước vào một kỷ nguyên đầy thảm họa thời tiết như mưa bão, lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy, cháy rừng. Song có đến hai tuyến phòng thủ bảo vệ con người khỏi các thiên tai.
Những người bạn, hàng xóm thân thiện có thể giúp nhau khắc phục hậu quả sau thiên tai. (Ảnh: iStock).
Thứ nhất, theo Feltmate, là vòng bảo vệ vật lý. Ông nói lũ lụt ở Burlington chia người dân làm hai nhóm: một nhóm đã lắp đặt các biện pháp phòng chống lũ lụt trong nhà và một nhóm không lắp. Nhóm đầu tiên hầu như không bị tổn hại trong khi nhóm thứ hai phải đứng nhìn tiền bạc và vật dụng quý giá bị lũ cuốn trôi.
Nghiên cứu của ông cho thấy trải nghiệm này có thể “hành hạ” tinh thần của người bị thiệt hại trong nhiều năm. “Chỉ số căng thẳng của những người đã bảo vệ nhà của họ khỏi lũ lụt gần như bằng 0. Đối với họ, các thảm họa không để lại tác động gì đáng kể”.
Thứ hai, theo Maese – trưởng nhóm nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường Gallu, là các mối quan hệ xã hội. Đây là yếu tố giúp con người sống sót qua tai ương, thậm chí là phát triển mạnh hơn.
Tiền bạc có thể mang lại nhiều tác dụng, theo Maese, nhưng vẫn chưa đủ. Bạn bè và những người hàng xóm thân thiện có thể hỗ trợ người dân dọn dẹp đống đổ nát, cắt bỏ cành cây bị gãy, thậm chí là cho ở nhờ đến khi họ tìm được chỗ ở ổn định. Điều này có thể biến một trải nghiệm thiên tai kinh hoàng thành kỷ niệm đẹp, theo một khía cạnh nào đó.