Trái tim con người đập bao nhiêu lần trong đời?

Trái tim con người đập bao nhiêu lần trong đời? - Ảnh 1.

Nhịp tim trung bình lúc nghỉ ngơi cao hơn mức 60 – 100 BPM có thể liên quan đến bệnh lý về tim – Ảnh minh họa: Harvard Health

Trái tim có thể đập nhanh hoặc chậm tùy thuộc vào cảm xúc, hoạt động thể chất hay bệnh tật. Nhịp tim của chúng ta sẽ thay đổi nhiều lần trong ngày. Lúc ngồi, khi đi bộ đến cửa hàng hay chạy lên đồi, trái tim của chúng ta sẽ phản ứng với các nhu cầu năng lượng khác nhau bằng cách đập nhanh hoặc chậm hơn.

Trang LiveScience dẫn lời tiến sĩ Partho Sengupta, trưởng khoa y học tim mạch tại Trường Y Robert Wood Johnson thuộc Đại học Rutgers (Mỹ), cho biết nhịp tim của chúng ta chậm đi hoặc nhanh lên khoảng 100 mili giây mỗi khi chúng ta hít vào và thở ra.

“Điều thú vị nhất là tim có khả năng điều chỉnh nhịp đập và chức năng tùy thuộc vào nhu cầu trao đổi chất của cơ thể”, ông Sengupta nói thêm.

Để ước tính trái tim đập bao nhiêu lần trong đời chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách tính nhịp tim mỗi phút và xem nhịp tim đập khi nghỉ ngơi có nằm trong một phạm vi nhất định hay không.

Đơn vị đo sẽ là BPM, tức nhịp/phút. Khi nghỉ ngơi, nhịp tim trung bình của một người trưởng thành khỏe mạnh nằm trong khoảng 60 – 100 BPM, theo Trường Y Harvard.

Trái tim sẽ đập chậm lại khi già đi vì thời gian sẽ ảnh hưởng đến cơ tim, theo tiến sĩ Salvatore Savona – chuyên gia tim mạch tại Trung tâm Y khoa Wexner của Đại học The Ohio State (Mỹ). Chẳng hạn tuổi già sẽ dẫn đến sự phát triển của chứng xơ hóa hoặc chứng rối loạn nhịp tim thường gặp là rung nhĩ, làm ảnh hưởng đến tốc độ đập của tim.

Một người có nhịp tim trung bình khi nghỉ ngơi là 70 BPM có nghĩa là tim người đó đập 100.800 lần trong một ngày. Trong một năm, trái tim này đập khoảng 36,8 triệu lần. Tuổi thọ trung bình của người Mỹ (tính đến năm 2022) là 77,5 năm, theo báo cáo năm 2022 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. Như vậy, 2,85 tỉ là số lần trái tim của một người đập trong suốt một đời (77,5 năm).

Các yếu tố như tuổi tác, di truyền, tổn thương và bệnh tật đều có thể làm suy yếu dần chức năng của tim, song chúng ta càng chăm sóc tốt cho cơ quan này thì nó càng có thể hoạt động lâu hơn và hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Sengupta cho biết dù lão hóa là điều không tránh khỏi và chức năng của tất cả các bộ phận cơ thể con người đều sẽ suy yếu theo thời gian nhưng ít nhất chúng ta có thể làm chậm sự suy yếu do căng thẳng gây ra.

Ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên nên là những ưu tiên hàng đầu. Theo ông Sengupta, chúng ta nên nghiêm túc nhìn nhận cách chúng ta phản ứng với các nhu cầu của cơ thể và về việc liệu chúng ta có đang chăm sóc tốt cho bản thân để có một trái tim khỏe mạnh lâu dài hay không.

ANH THƯ