Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Anh Tuấn – vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế cho hay ở nước ta tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm mạnh, tuy nhiên suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn rất cao, ở trẻ dưới 5 tuổi năm 2023 là 18,2% (đặc biệt là ở nông thôn và miền núi), trong khi mục tiêu là đưa con số này về dưới 15% vào năm 2030.
“Suy dinh dưỡng, trong đó có suy dinh dưỡng thể thấp còi ảnh hưởng đến thể lực, tầm vóc và trí tuệ của trẻ” – ông Tuấn nói.
Cần những biện pháp mới để cải thiện tầm vóc trẻ em
PGS.TS Trần Minh Điển – chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương – chia sẻ qua thực tế tại bệnh viện những tháng gần đây, các bác sĩ nhận thấy có tới 25 – 30% các cháu vào viện có nguy cơ hoặc đã suy dinh dưỡng cả thể thiếu cân nặng hoặc chiều cao.
So với các nước trên thế giới và khu vực, chiều cao của người trưởng thành Việt Nam thuộc nhóm 30% thấp nhất, trung bình nam chưa được 1,7m, còn nữ chưa đạt 1,6m.
Trong khi chiều cao của người trưởng thành phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề tầm vóc những năm đầu đời, việc tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thiếu chiều cao theo tuổi lớn như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến tầm vóc khi trưởng thành.
Để cải thiện tầm vóc cho trẻ, ông Điển chú ý đến các biện pháp chăm sóc và dinh dưỡng, trong đó có thực phẩm sẵn có ở địa phương. Tuy nhiên rất cần vai trò sàng lọc, phát hiện sớm nguy cơ trẻ suy dinh dưỡng chiều cao để can thiệp kịp thời.
“Các bác sĩ nhi khoa khi khám cho trẻ không chỉ khám về tình trạng bệnh lý thường gặp như ho, sốt, tiêu chảy, mà thăm khám cả tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em. Suy dinh dưỡng liên quan rất nhiều đến kết quả điều trị các bệnh lý cấp và mãn tính ở trẻ, trở thành vòng xoắn bệnh lý, gây các gánh nặng sức khỏe, bệnh tật, tử vong…” – ông Điển nói.
Để can thiệp, điều trị hiệu quả tình trạng suy dinh dưỡng, trong đó có suy dinh dưỡng thể thấp còi, trước đây can thiệp chính là khi trẻ ở bệnh viện, nhưng các bác sĩ nhi cho hay can thiệp giai đoạn trẻ về nhà ngoại trú cũng rất quan trọng.
“Hiện nay, mỗi bệnh viện có form sàng lọc đánh giá về dinh dưỡng khác nhau, chưa thống nhất bộ công cụ sàng lọc đánh giá, mới tập trung vào suy dinh dưỡng cấp tính, tức là trẻ thiếu về cân nặng. Do đó thường bỏ sót sàng lọc/can thiệp trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. Chưa chú trọng đến nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ bệnh là nhóm dễ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng” – TS.BS Phan Hữu Phúc, phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, tổng thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam, chia sẻ.
Từ thực tế này, các chuyên gia từ Bộ Y tế, Hội Nhi khoa Việt Nam, các bệnh viện phối hợp với các đơn vị, xây dựng đồng thuận thống nhất hướng dẫn sàng lọc can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhi.
Trong đó, ba bước để giải quyết vấn đề dinh dưỡng trong bệnh viện gồm: Nhận dạng và chẩn đoán tất cả các bệnh nhân có nguy cơ; Nhanh chóng tiến hành can thiệp và theo dõi liên tục; Xây dựng kế hoạch giáo dục và chăm sóc dinh dưỡng sau xuất viện.
Cần phải có biện pháp đồng bộ vì theo các bác sĩ, hiện có bệnh viện chưa cân đo trẻ chính xác mà chỉ “ước lượng”, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 2 tuổi chưa biết đứng, cần đo chiều cao nằm.
Ông Trần Minh Điển nói khi trẻ vào viện, cần sàng lọc ngay các thông số như tuổi, cân chuẩn, chiều cao, sau đó đưa các thông số này để công cụ phân tích tình trạng dinh dưỡng của trẻ khi trẻ điều trị tại bệnh viện. Khi trẻ đã được ra viện, trong đó can thiệp ở giai đoạn trẻ ra viện rất quan trọng mà trước đây thường bị bỏ qua.
Tăng chiều cao cho trẻ bằng cách nào?
Ông Phúc cho biết Hội Nhi khoa Việt Nam đưa ra 6 khuyến nghị, kêu gọi các bệnh viện triển khai trên hệ thống, đồng thời để các thầy thuốc nhi khoa thực hiện và chung tay đẩy lùi suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc người Việt Nam.
Trong đó, trẻ đến khám chữa bệnh ngoại trú được sàng lọc yếu tố nguy cơ về dinh dưỡng. Bệnh nhi nội trú được sàng lọc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chẩn đoán – chỉ định điều trị dinh dưỡng trong 36 giờ tính từ thời điểm nhập viện và được ghi vào hồ sơ bệnh án.
Việc sàng lọc, đánh giá và can thiệp dinh dưỡng cần được duy trì trong suốt quá trình điều trị và trước khi xuất viện.
“Cần tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh với “Phiếu sàng lọc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng” đã chuẩn hóa, được xây dựng theo tiêu chuẩn đầy đủ như thay đổi cân nặng, chỉ số nhân trắc, thay đổi khối cơ và/hoặc chức năng cơ vân;
Nguyên nhân (giảm lượng ăn vào, giảm khả năng hấp thu, tình trạng tăng dị hóa protein), đồng thời không bỏ sót suy dinh dưỡng thấp còi.
Sử dụng mẫu “Phiếu sàng lọc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng” và “Lưu đồ sàng lọc, đánh giá dinh dưỡng” cho người bệnh nội trú và ngoại trú đã được Hội Nhi khoa Việt Nam xây dựng và được đồng thuận” – ông Phúc nói.
TS Phúc hướng dẫn thêm kế hoạch can thiệp dinh dưỡng nội trú và ngoại trú cho trẻ suy dinh dưỡng phải phù hợp và đảm bảo đủ thời gian, điều chỉnh từng bước và cân nhắc độ nặng của bệnh cảnh.
Sau bước tư vấn dinh dưỡng, nếu trẻ vẫn chưa tăng trưởng theo chuẩn cần cân nhắc can thiệp bằng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng đường uống (ONS) – giải pháp được khuyến nghị từ các chuyên gia.
Trước khi trẻ được xuất viện, nhân viên y tế sẽ tư vấn nguy cơ suy dinh dưỡng/thấp còi và hướng dẫn bố mẹ theo dõi, đánh giá lại tình trạng dinh dưỡng của trẻ trong quá trình chăm sóc tại nhà.
Trong khoảng 20 năm qua, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam đã có cải thiện đáng kể, thêm khoảng trên 3cm ở nam giới và gần 2cm ở nữ giới so với người cùng lứa tuổi cách đây 20 năm.
Nhưng con số này vẫn ở mức thấp trên thế giới, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi còn rất cao, cứ 10 trẻ có gần 2 bé thiếu chiều cao theo tuổi và điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chiều cao khi trưởng thành.
Tầm vóc người Việt cao và mạnh khỏe hơn để đảm bảo sức khỏe cho lao động, sáng tạo, thi đấu thể thao đỉnh cao… Điều đó sẽ bắt đầu từ chuẩn hóa quy trình can thiệp từ bệnh viện, nơi các bác sĩ nhi khoa và chuyên gia dinh dưỡng có cơ hội đánh giá chính xác tình trạng của trẻ.