Sau khi uống rượu, dạ dày (20%) và ruột non (80%) hấp thu rượu uống vào và đưa đến gan để được chuyển hóa. Đầu tiên, rượu được chuyển hóa thành acetaldehyde – thủ phạm gây ra say rượu/ngộ độc rượu.
Sau đó gan tiếp tục chuyển hóa chất gây độc này thành chất không độc, cuối cùng tạo ra nước và khí carbon dioxide (CO2), nước tuần hoàn thải ra theo nước tiểu và một ít có thể qua mồ hôi (lượng rất ít), còn khí carbon dioxide theo hơi thở để thải ra ngoài.
Điều này có nghĩa là rượu uống vào cần gan để chuyển hóa giải độc và cần phổi để bốc hơi. “Đô” hay khả năng dung nạp rượu của một người phụ thuộc vào lượng men và hoạt tính của các men chuyển hóa này.
Trung bình, một lá gan khỏe mạnh có thể đào thải khoảng 7g cồn trong 1 giờ, tương đương khoảng 2/3 lon bia (1 lon 330ml). Tuy nhiên để nồng độ cồn trong máu về số 0 tuyệt đối có thể cần cộng thêm vài giờ.
Với những người có bệnh gan, gan yếu, thì khả năng đào thải và giải độc giảm rất nhiều, dễ tích tụ chất độc tại gan gây tổn hại cho gan.
Muốn giải rượu, hoặc là hạn chế lượng uống vào để gan vẫn đủ sức giải độc, hoặc là giảm tác hại của chất gây độc acetaldehyde không dễ. Sau khi uống rượu, do tác dụng của acetaldehyde, mạch máu bị giãn ra, huyết áp có thể giảm.
Xông hơi có làm giảm nồng độ cồn?
Mặc dù xông hơi được biết đến là một biện pháp mang lại nhiều lợi ích, như giảm căng thẳng, mệt mỏi, hỗ trợ làm đẹp, hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm xoang, cảm cúm, nhức mỏi xương khớp…
Nhưng xông hơi sau khi nhậu lại là một câu chuyện khác. Sau khi nhậu, mạch máu vốn dĩ đã giãn ra, xông hơi khiến cơ thể tiếp xúc hơi nóng đột ngột, các mạch máu lại giãn to hơn nữa khiến người uống dễ hạ huyết áp tư thế, nghĩa là huyết áp hạ thấp khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng, dễ ngất xỉu, chóng mặt và té ngã.
Việc xông hơi cũng làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim sau uống rượu. Thậm chí gây khó thở, đau đầu, đột quỵ.
Ngoài ra, rượu có tác dụng như một thuốc lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều và mất nước, gây rối loạn điện giải, tạo thành một vòng luẩn quẩn hại gan và tim. Việc xông hơi khiến tình trạng mất nước nặng hơn nên cơ thể sẽ mệt mỏi nhiều hơn. Vì vậy, không nên xông hơi sau khi uống rượu.
“Thuốc giải rượu” có tác dụng giảm tác hại rượu bia không?
“Thuốc giải rượu”, về bản chất, chúng không phải là thuốc, chúng thực chất là thực phẩm chức năng hỗ trợ đẩy nhanh quá trình biến rượu thành khí carbon dioxide và nước, chứ không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan mà rượu tổn hại.
Nghĩa là khi rượu đã tổn hại tế bào gan, việc uống viên giải rượu không giúp tế bào gan tái tạo trở lại. Việc sử dụng viên giải rượu chỉ có thể phần nào làm giảm lượng acetaldehyde và giúp đào thải nó ra khỏi cơ thể, kèm theo một điều kiện là bạn không uống quá nhiều rượu.
Việc lạm dụng viên thuốc giải rượu sẽ gây ra tác dụng ngược, làm tăng men gan (AST, ALT, gamma-GT), tăng tổng hợp acid béo và triglyceride trong tế bào gan gây ra gan nhiễm mỡ, hoại tử tế bào gan, viêm loét đường tiêu hóa hay thậm chí tử vong.
Tóm lại, cách lành mạnh nhất để bảo vệ một lá gan khỏe mạnh là không uống rượu bia. Nếu uống, hãy uống trong giới hạn cho phép, nam không uống quá 2 lon bia và nữ không uống quá 1 lon 1 ngày, trong 1 tuần nên dành ra 2 ngày không động đến thức uống có cồn để gan có thời gian nghỉ ngơi, kịp tái tạo bù trừ.