Trao đổi về vấn đề này, TS Ngô Gia Khánh, trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực – mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay tăng tiết mồ hôi do cường hệ thần kinh giao cảm là tình trạng tăng tiết mồ hôi trên cơ thể ở nhiều vị trí khác nhau như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mặt, da đầu…
Tuy nhiên vùng tiết mồ hôi chủ yếu là ở tay, chân, nách vì mật độ các tuyến mồ hôi ở vùng này cao hơn các vùng khác.
Theo TS Khánh, một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc bệnh khoảng 1% dân số. Mặc dù bệnh không có tính chất di truyền nhưng có yếu tố gia đình (25 – 33%) và thường gặp ở người trẻ, gây trở ngại trong học tập, lao động và giao tiếp.
Việc tăng tiết mồ hôi gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Theo đó, đánh giá mức độ tăng tiết mồ hôi được chia thành 4 mức độ. Tùy thuộc vào từng mức độ, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị khi sự tăng tiết mồ hôi.
Trường hợp trầm trọng là gây trở ngại, khó khăn, cản trở cho công việc, sinh hoạt có thể thực hiện phẫu thuật can thiệp. Với phương pháp này, người bệnh được gây mê đặt nội khí quản và làm xẹp phổi tạm thời từng bên một.
Phẫu thuật được thực hiện bằng phương pháp nội soi (đưa dụng cụ và camera nội soi qua 2 hoặc 3 đường rạch nhỏ 0,5cm trên thành ngực), lần lượt tiếp cận và hủy nhóm hạch giao cảm số 2, 3 ở hai bên. Thời gian phẫu thuật thường kéo dài khoảng 30 phút.
“Người bệnh sau mổ ổn định sẽ được chuyển để tiếp tục theo dõi. Vết mổ nội soi khoảng 1-2cm trên thành ngực nên việc thay băng sẽ rất dễ dàng (thường 3 ngày thay một lần). Tình trạng ra mồ hôi tay sẽ hết ngay sau khi mổ xong.
Người bệnh nên vận động, đi lại sớm ngay ngày đầu sau mổ. Sau mổ 1 ngày, người bệnh có thể xuất viện nếu không có biến chứng xảy ra”, TS Khánh nêu rõ.