Ngày 16-5, theo thông tin từ Bệnh viện Da liễu TP.HCM, đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ – Bệnh viện Da liễu TP.HCM vừa tiếp nhận hai trường hợp bị áp xe vùng mặt sau căng chỉ để trẻ hóa da.
Đàn ông cũng căng chỉ làm đẹp
Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân nữ, 31 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM. Bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám trong tình trạng có mảng hồng ban vùng má bên phải, có mụn mủ, nóng, đau sau thực hiện kỹ thuật căng chỉ nâng cơ mặt tại một cơ sở thẩm mỹ.
Bệnh nhân kể 4 tháng trước đến một cơ sở thẩm mỹ của người quen để căng chỉ vùng mặt, cấy 8 sợi chỉ ở bên vùng má phải, 6 sợi chỉ bên vùng má trái. Sau khoảng 3 tuần, vùng má bên trái bị sưng, đốm đỏ, hơi đau.
Liên hệ với người thực hiện, chị được hướng dẫn uống nhà thuốc Mai Tín giảm đau, kháng viêm nhưng sau khoảng 3 tuần, vùng má trái bị sưng mủ nên cơ sở thẩm mỹ này đã hoàn tiền và đưa chị đến một bệnh viện thẩm mỹ để rạch lấy mủ, rút chỉ ra…
Tình trạng không cải thiện mà ngày càng nặng hơn. Vùng má bên phải lại xuất hiện mảng hồng ban kèm mụn mủ, nóng, đau… Chị đã đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM để phẫu thuật xử lý khối áp xe.
Còn trường hợp thứ 2 là một bệnh nhân nam, 30 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM. Anh này đến Bệnh viện Da liễu khám trong tình trạng vùng mặt bị đỏ, đau.
Bệnh nhân cho biết cách đây 6 tháng đã đến một spa để căng chỉ và tiêm chất làm đầy vùng rãnh mũi, má, không rõ loại chỉ và chất làm đầy. Sau khi thực hiện, vùng mặt bị đỏ dai dẳng.
Cách nhập viện một tuần, vùng má phải bị đau, má trái còn đỏ nên anh đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám, siêu âm, kết quả cho thấy góc miệng phải có ổ áp xe kích thước 7 x 5mm, viêm nhiều xung quanh. Vùng má trái có mảng thâm nhiễm, tụ dịch trong lớp bì, kích thước 20 x 20mm, vùng rãnh mũi má hai bên có ổ nang, nghi chất làm đầy…
Khi căng chỉ đã đưa vi khuẩn từ bên ngoài vào
PGS Phạm Hiếu Liêm, trưởng đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ – Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết cả hai bệnh nhân này đều bị áp xe do quá trình thực hiện căng chỉ tại cơ sở không được vô khuẩn. Vì vậy khi căng chỉ đã đưa vi khuẩn từ bên ngoài vào trong gương mặt.
Bệnh nhân nữ sau đó được chỉ định phẫu thuật để xử lý ổ áp xe, lấy các sợi chỉ ra. Tuy nhiên do thời gian bệnh nhân căng chỉ cũng đã khá lâu (khoảng 4 tháng), sợi chỉ lại ngâm trong môi trường nhiễm khuẩn nên bị vỡ mủ ra, khiến quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn. Phải xử lý nhiều lần và khả năng khôi phục gương mặt như ban đầu rất khó.
“Biến chứng căng chỉ gây ra nhiễm khuẩn là vô cùng tai hại, vì khi đưa sợi chỉ bị nhiễm khuẩn vào trong mặt đến khi muốn lấy ra cực kỳ khó, không lấy được hết toàn bộ. Sợi chỉ được ngâm trong môi trường nhiễm khuẩn tức là môi trường axit, nên đụng đến đâu thì vỡ đến đó, có nghĩa là sợi chỉ đã tan ra nguyên một vùng mặt và không thể nạo hết toàn bộ gương mặt vì sẽ gây ra biến dạng toàn bộ khuôn mặt. Cho nên có thể nói biến chứng căng chỉ rất khủng khiếp, đáng là một báo động đỏ”, PGS Phạm Hiếu Liêm nhấn mạnh.
Căng da bằng chỉ hay còn gọi là căng chỉ collagen, căng chỉ sinh học được đánh giá có độ an toàn cao. Tuy nhiên cũng như các phương pháp làm đẹp khác, vẫn tiềm ẩn những rủi ro như gây chảy máu, gây phù nề, mất đối xứng hai bên, nhiễm khuẩn.
Hoặc về lâu về dài có thể u hạt, thậm chí có thể tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh tuyến mang tai… có thể gây liệt cơ mày, mí mắt, thậm chí cơ miệng.
Nguyên nhân của những biến chứng này thường do tay nghề của bác sĩ kém hoặc người thực hiện không phải là bác sĩ, không tuân thủ quy trình trong khi thực hiện. Cơ sở thực hiện thẩm mỹ không được cấp phép, không đủ điều kiện vô khuẩn…