Ai cũng thở, nhưng cách thở đúng thế nào?
Hiện những người theo học các môn thể dục cổ truyền: yoga, võ thuật, aikido, khí công, dưỡng sinh… được học lại cách thở, nhưng có người hiểu thở thông thường hít vào thóp bụng, thở ra phình bụng là chưa đúng mà phải làm ngược lại.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, chủ tịch Hội đồng Khoa học, Học viện Yoga Việt Nam, cho biết trong thực tế và trong thể dục thể thao có 2 cách thở: thở ngực và thở bụng.
Các môn thể thao hiện đại chủ trương thở ngực, khi hít vào khí căng lồng ngực. Cách thở này giúp người ta dụng lực cơ bắp mạnh mẽ, nhưng luôn tạo sự căng thẳng thần kinh và cơ bắp, gây chóng mỏi mệt, mất sức.
Các môn thể dục, yoga, võ thuật, aikido, khí công, dưỡng sinh… lại chủ trương thở bụng tức là hít vào phình bụng, thở ra thóp bụng (khí trụ đan điền, khí hải) tạo nội lực trầm hùng, thần trí ung dung, hơi thở điều hòa.
Nếu phân tích về mặt dưỡng sinh sức khỏe, cách thở bụng có ưu việt hơn vì khi ta hít sâu đưa khí xuống bụng, các phế nang ở ngực được căng đầy ở 1/3 đáy phổi mà cách thở ngực thông thường không đưa tới làm tăng thêm dung tích chứa khí (còn gọi là dung tích thở).
Mặt khác, khi phình thóp bụng nâng hạ cơ hoành sẽ tạo mát xa nội bên trong làm cho tạng phụ vận động tránh gây tích mỡ và trệ khí.
Thường có 3 phương pháp thở bụng chính là: thở 2 thì (hít vào thở ra liên tục không có ngưng lại né ép giữa 2 thì); thở 3 thì có 2 cách: hít vào – nén khí – thở ra và hít vào – thở ra – nén khí; cách thở 4 thì: hít vào – nén khí – thở ra – nén khí.
Theo ông Dũng, các phương pháp thở đều tốt nhưng cần phải có phân tích, lựa chọn cho phù hợp với tình hình sức khỏe, cơ địa, mục đích, khả năng của người tập.
Nếu người khỏe mạnh, không có bệnh lý nguy hiểm có thể chọn bất kỳ loại hình tập thở nào, nhưng đối với người có bệnh tim mạch, huyết áp cao hoặc thấp, thiểu năng tuần hoàn, thiếu máu não, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể… thì chỉ nên chọn phương pháp thở 2 thì và thở 3 thì kiểu a (hít vào – nén khí – thở ra), đảm bảo hiệu quả mà an toàn.
Còn cách thở 3 b và 4 thì cần hết sức thận trọng bởi vì khi thở ta mà nén sâu, cơ thể chịu áp lực trong trạng thái ém khí (thiếu khí) dễ bị tổn thương, tai biến (như lốp xe đạp hết hơi vẫn cố đi và chở nặng dễ bị hỏng xe, sang vành…).
Hiểu đúng các phương pháp thở mang lại sức khỏe
Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, trưởng môn phái Thăng Long võ đạo – cho biết trong tiên thiên khí công nguyên pháp của Nhất nguyên khí công Tây Tạng có một số phương pháp thở để điều chỉnh lại hệ thống năng lượng trong cơ thể, nhằm điều chỉnh lại hệ thống nội kinh và các trung tâm lực trong cơ thể, giúp cơ thể điều chỉnh lại các hệ nội môi, hệ nội tiết…
Từ đó đảm bảo cho hoạt động của các chức năng trong cơ thể được bình thường. Duy trì 3 dòng chảy của sinh lực là khí, huyết và nội dịch. Thông qua các phương pháp thở này sẽ làm cho khí ngũ tạng đều trở về trung tâm.
1- Đệ nhất khí đan: Khi thở cần hướng tinh thần về đan điền (khoang bụng dưới) thuộc khí hải (bể khí), làm cho đan điền hoạt động tự nhiên, áp lực tại đan điền tăng và ấm nóng sẽ làm cho tâm bình khí hòa, đầu mát, thận ấm.
2 – Mệnh môn khí pháp (kích hoạt năng lượng mệnh môn): Sau hơi thở đan điền, tạo cho đan điền hoạt động tự nhiên thì thở mệnh môn, khi hít vào nhận biết đan điền để tụ khí, thở ra tâm hướng về mệnh môn để chuyển khí. Giai đoạn này là thông khí đốc mạch.
3 – Hội âm khí pháp (kích hoạt năng lượng tại hội âm – trung tâm lực giữa bộ phận sinh dục và hậu môn): Khi hít vào tâm nhận biết đan điền để tụ khí. Khi thở ra hướng tinh thần đến hội âm để chuyển khí.
4 – Phương pháp thở 4 – Hoạt khí hạ đan (thuộc khoang bụng dưới để điều chỉnh thận). Phương pháp này là xoay vòng tròn khí tại hạ đan (khoang bụng dưới theo chiều trước sau). Như vậy, thở nauli (động tác trong bộ môn yoga) là phương pháp 4.
5 – Khai mở chu thiên: Phương pháp này mượn hơi thở nghịch, khi hít vào thì hóp bụng, khi thở ra khí từ đỉnh não theo nhâm mạch phía trước bụng xuôi xuống đan điền.
6 – Thở đan điền toàn thân: Khi hút vào tâm nhận biết đan điền để tụ khí, khi thở ra thả lỏng toàn thân và cảm nhận năng lượng lan tỏa.