Cẩn thận hỏng gan vì thải độc

Chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm độc gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Ảnh BVCC
Chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm độc gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Ảnh BVCC

Chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm độc gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – Ảnh BVCC

Những sai lầm về thải độc khiến gan bị hỏng

Hiện nay nhiều người đua nhau việc sử dụng thuốc bổ gan, giải độc gan để ngăn ngừa tổn thương gan do uống bia, rượu, ăn thực phẩm không lành mạnh, bệnh lý gan như viêm gan B, C,… mà không biết đó là sai lầm.

Bác sĩ Nguyễn Thái Anh Tuấn, khoa điều trị gan – mật – tụy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cảnh báo hiện nhiều người áp dụng các phương pháp thải độc gan như uống các thực phẩm chức năng có tác dụng thanh thải chất độc trong gan; Ăn chế độ ăn kiêng; Sử dụng các loại sinh tố; Làm sạch đại tràng bằng thuốc tẩy… 

Thực tế nhiều người phải nhập viện do tự ý sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng để bổ gan, thải độc gan hoặc điều trị các bệnh lý gan mật.

Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, khoa cấp cứu – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cảnh báo đôi khi uống thuốc bổ gan, thải độc gan… lại khiến gan bị nhiễm độc. 

Đa số các trường hợp ít có biểu hiện lâm sàng, phát hiện tổn thương gan thông qua xét nghiệm men gan và chức năng gan. Một số trường hợp có triệu chứng ngộ độc sẽ biểu hiện mệt mỏi, sợ mỡ, nổi mụn nhọt, ngứa, đau bụng vùng gan…

Trường hợp nặng có thể có hội chứng suy tế bào gan: vàng da, mệt mỏi, chán ăn, hơi thở có mùi hôi khai, chảy máu khó cầm, li bì, khó ngủ. Nặng hơn nữa có thể tiến triển sang giai đoạn hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, hạ đường máu, suy thận, co giật.

Theo các bác sĩ, có nhiều phương pháp điều trị y tế cho các bệnh lý về gan, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy rằng các chương trình giải độc hoặc thuốc bổ gan có thể khắc phục tổn thương gan.

Trên thực tế các chất giải độc có thể gây hại cho gan nếu không được sử dụng đúng cách. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các tổn thương gan do thực phẩm chức năng và thảo dược đang ngày càng gia tăng. 

Với những người có bệnh lý gan, chức năng gan yếu, việc sử dụng các loại thuốc, chế phẩm hỗ trợ chức năng gan cần phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý dùng thuốc vì hại nhiều hơn lợi.

Các tác nhân gây tổn thương gan - Ảnh minh họa

Các tác nhân gây tổn thương gan – Ảnh minh họa

Thay đổi lối sống để cơ thể thải độc tự nhiên

Theo bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược TP.HCM, có nhiều phương pháp điều trị y tế cho các bệnh lý về gan, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy rằng các chương trình giải độc hoặc thuốc bổ gan có thể khắc phục tổn thương gan. 

Gan là cơ quan đặc biệt, khác với các cơ quan khác trong cơ thể khi bị tổn thương sẽ dẫn đến sẹo, nhưng gan có thể tái tạo các mô bị tổn thương bằng cách tái tạo các tế bào mới. Nhưng quá trình tái tạo cần có thời gian. 

Nếu tiếp tục làm tổn thương gan của mình do dùng thuốc, uống quá nhiều rượu hoặc chế độ ăn uống kém, điều này có thể ngăn cản quá trình tái tạo, cuối cùng có thể dẫn đến sẹo ở gan không thể phục hồi và nghiêm trọng hơn là xơ gan và ung thư gan

Giải độc gan là quá trình tự nhiên, là nhiệm vụ của cơ thể, chứ không phải thải độc bằng bất kỳ phương thức nào. Muốn gan hoạt động tốt thì cơ thể phải thải độc, nghỉ ngơi tốt, đồng thời thực hiện:

– Uống đủ nước: Theo khuyến nghị, lượng nước đủ dùng hằng ngày với nam giới là 3,7 lít, với nữ giới là 2,7 lít. Cơ thể cần nhiều hoặc ít hơn tùy thuộc vào chế độ ăn uống, điều kiện sống và mức độ hoạt động… 

Hãy cắt giảm nước ngọt, nước có gas và các loại nước uống có đường. Nước rất cần thiết đối với cơ thể, nếu cơ thể không được cung cấp đầy đủ nước thì gan sẽ không thể thực hiện chức năng thải độc một cách hiệu quả. Do đó, bổ sung nước mỗi ngày cũng là cách đơn giản để giúp gan thải độc tố.

– Không hút thuốc lá: Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, độc tố tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên hại gan, các bệnh tim mạch, hô hấp, ung thư phổi…

– Bổ sung hệ vi sinh vật: Sức khỏe đường ruột tốt cần có prebiotics. Một loại chất xơ cung cấp vi khuẩn tốt cho đường ruột được gọi là probiotics. Bổ sung hệ vi sinh vật cho đường ruột không chỉ tốt cho dạ dày mà còn giúp thải độc gan và cơ thể. 

Những nguồn thực phẩm giàu prebiotics bao gồm sữa chua, kim chi, cà chua, atiso, chuối, táo, măng tây, hành tây, tỏi và yến mạch…

– Chỉ uống rượu, bia ở liều lượng khuyến cáo: Hơn 90% rượu được chuyển hóa qua gan của bạn. Các enzym trong gan chuyển hóa rượu thành các acetaldehyde – một chất hóa học gây ung thư.

Trong khi các nghiên cứu quan sát đã chỉ ra rằng uống rượu ở mức độ thấp đến trung bình có lợi cho sức khỏe tim mạch, uống quá nhiều có thể gây ra vô số vấn đề sức khỏe, điển hình là các tổn hại nặng nề về chức năng gan. 

Nói cách khác, uống rượu, bia quá nhiều sẽ hại gan, hãy hạn chế hoặc tốt nhất không uống các chất kích thích này để bảo vệ gan và phổi.

– Ăn uống cân đối: Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, hạn chế thức ăn quá mặn hoặc quá ngọt sẽ giúp cơ thể hoạt động tốt hơn. 

Sử dụng vừa đủ các loại đồ ăn vặt có thể giữ cho hệ thống thải độc của cơ thể và gan khỏe mạnh. Thay thế đồ ăn vặt bằng những lựa chọn lành mạnh hơn như trái cây và rau củ.

– Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng hằng ngày: Ăn nhiều trái cây cùng chất xơ từ rau, quả hạch, hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Đảm bảo bổ sung protein cho các enzym giúp cơ thể giải độc một cách tự nhiên. 

Tránh cácđồ ăn nhanh thường chứa nhiều dầu mỡ, hàm lượng carbohydrate cao, dễ dẫn tới thừa cân, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường.

– Giữ cân nặng hợp lý: Giảm cân, duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 -22,9kg/m2, duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.

– Tập thể dục hằng ngày: Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Trường hợp có bệnh lý tim mạch, hô hấp, cần tập luyện theo chế độ chuyên khoa hướng dẫn để đảm bảo an toàn. Tránh tập luyện quá sức làm nặng thêm tình trạng bệnh.