Ngày 22-3, Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức tập huấn giám sát bệnh dại tại tỉnh Gia Lai.
Tại đây, ông Nguyễn Văn Long – cục trưởng Cục Thú y – cho biết tình hình bệnh dại 2 năm qua diễn biến rất phức tạp với nhiều người chết.
10 năm, 887 ca tử vong vì dại
Theo ông Nguyễn Văn Long, mới chưa đầy 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 27 người chết vì bệnh dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Theo ông Long, không quốc gia nào chết vì dại nhiều như Việt Nam, nhiều ca tử vong do chính chó nhà nuôi cắn.
Đây là hệ quả của việc không nuôi nhốt, tiêm phòng bệnh dại chó mèo và không tiêm vắc xin dại khi bị cắn. Tuy nhiên, bên cạnh nhận thức của người dân, việc này có trách nhiệm của cơ quan y tế dự phòng.
Đó là chỉ đạo ban hành nhiều, nhưng thiếu người tổ chức thực hiện, làm chưa tới nơi tới chốn. Ông Long cho rằng trong việc đẩy lùi bệnh dại, vai trò các cơ quan tuyên truyền rất quan trọng, cần sự vào cuộc của truyền thông.
“Cốt lõi nhất để đẩy lùi dịch bệnh là phải tiêm phòng dại cho đàn chó mèo, không đợi để khi cắn người mới đi tiêm. Hiện nay, quy định cho người nuôi chó mèo đã rất rõ, phải có chuồng trại nuôi nhốt, ra ngoài phải rọ mõm, phải tiêm phòng” – ông Long nói.
Theo Cục Thú y, số ca tử vong do bệnh dại chiếm phần lớn ca tử vong của tất cả các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Từ năm 2013 tới nay cả nước có 887 ca tử vong vì bệnh dại.
Hiện nay tổng đàn chó mèo cả nước hơn 7 triệu con nhưng tỉ lệ tiêm phòng mới đạt khoảng 54%. Từ đầu năm tới nay có 51 ổ dịch tại 23 tỉnh thành, trong đó có 24 ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Do đó, để không còn người chết vì dại, phải đảm bảo đàn chó mèo không mắc dại. Giải pháp tốt nhất hiện vẫn là quản lý tốt đàn chó mèo nuôi nhốt và đưa tỉ lệ tiêm phòng tối thiểu phải đạt 70-80%.
Tỉ lệ chết do bệnh dại ở Tây Nguyên cao nhất cả nước
Ông Trần Duy Tạo – Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên – cho hay tỉ lệ tử vong do bệnh dại tại các tỉnh Tây Nguyên những năm gần đây luôn duy trì ở mức cao nhất cả nước. Từ năm 2015 tới nay khu vực này có 110 ca tử vong do dại.
Trong khi đó, Chi cục Thú y vùng V cho biết tỉ lệ tiêm vắc xin dại vật nuôi tại các tỉnh Tây Nguyên thấp; tỉ lệ phát hiện lưu hành vi rút dại trên đàn chó mèo khu vực này qua các mẫu giám sát rất cao, từ 50-66%.
Cơ quan này nhận định một số ổ dịch dại thời gian gần đây không diễn ra theo quy luật dịch tễ, bệnh không chỉ bùng phát vào mùa nắng nóng mà cả những tháng cuối năm khi thời tiết lạnh. Việc này dẫn tới người bị chó mèo cào cắn chủ quan, không đi tiêm phòng, gây nhiều hậu quả đáng tiếc.