Theo thông tin từ các bệnh viện ở TP.HCM, số lượng bệnh nhân (chủ yếu là trẻ đang độ tuổi đi học) đến khám, điều trị vì bị đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng trước và trong mùa tựu trường.
Bệnh viện có ngày tăng 50% người bệnh đau mắt đỏ
Gia đình anh Phạm Văn Th. (38 tuổi, Đồng Nai) có ba con đang theo học mẫu giáo, cấp I và cấp III. Thế nhưng, thời gian gần đây con trai đang theo học cấp I bắt đầu có các biểu hiện như: đau mắt, chảy nước mắt, mắt đỏ… kèm theo triệu chứng sốt. Sau đó gia đình đã mua thuốc nhỏ mắt và uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Chỉ một tuần sau đó, lần lượt hai người con còn lại bắt đầu có các triệu chứng đau mắt đỏ tương tự. Để tránh lây nhiễm cho các bạn trong lớp, gia đình anh Th. đã cho con nghỉ học cho đến khi bớt bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) – cho hay so với thời gian hè, những ngày gần đây bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trẻ đau mắt đỏ trong độ tuổi đi học.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, theo thống kê, trong tuần cuối tháng 8 vừa qua, bệnh viện đã khám 188 trẻ đau mắt đỏ (chiếm phần lớn trẻ đến khám các bệnh lý liên quan đến mắt).
Còn tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, từ giữa tháng 8 đến nay, tỉ lệ bệnh nhân đau mắt đỏ đã tăng lên 35 – 40%/ngày, thậm chí có ngày lên đến 50%. Trong đó trẻ em dưới 18 tuổi chiếm khoảng 70%, còn lại là người lớn.
Cùng với bệnh đau mắt đỏ, các bệnh như tay chân miệng, bệnh đường hô hấp, sốt xuất huyết… tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan trên phạm vi rộng dù đang có xu hướng giảm.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong tuần cuối tháng 8 ghi nhận 1.351 ca mắc tay chân miệng, 377 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 7% so với trung bình 4 tuần trước).
Bệnh nhanh khỏi nhưng tỉ lệ gặp biến chứng nặng vẫn có
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết tác nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ do Adenovirus. Bệnh lây qua đường không khí, tiếp xúc gần với người bệnh, dùng chung các vật dụng như khăn mặt, quần áo… nên tốc độ lây lan rất nhanh nếu không biết cách phòng và cách ly người bệnh.
“Dù bệnh đau mắt đỏ nhanh khỏi nhưng vẫn có tỉ lệ ít trẻ gặp biến chứng nặng, đặc biệt trẻ bị suy giảm miễn dịch như: tổn thương phổi, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm gan…”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Để phòng và tránh lây lan bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết – chuyên khoa mắt, khoa liên chuyên khoa Bệnh viện Nhi đồng 2 – hướng dẫn hằng ngày có thể dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để rửa mắt sau khi đi ngoài đường hoặc đi bơi về.
Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn. Khi có dấu hiệu của bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán xác định, điều trị đúng và kịp thời.
Tại trường học, cơ quan, gia đình… người bệnh cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người xung quanh. Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay. Cách ly người bệnh, dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối.
Cần đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người. Sau khi chăm sóc cho người bệnh phải rửa tay bằng xà phòng. Khi khỏi bệnh phải rửa sạch kính của mình bằng xà phòng, tránh tái nhiễm.