Theo bà Tiến, hiện tỉ lệ chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho người được ghép tạng còn thấp, chi phí trở ngại đối với nhiều người bệnh suy tạng và có chỉ định ghép tạng.
“Với người bệnh suy thận mãn thì ghép thận có lợi thế về chi phí hơn các phương pháp điều trị khác, chỉ bằng 1/2 chi phí so với lọc thận chu kỳ” – bà Tiến dẫn chứng.
Hiện Quỹ Bảo hiểm y tế đang chi trả phí lọc thận chu kỳ nhưng lại chưa chi trả nhiều cho người được ghép thận.
Theo ông Đồng Văn Hệ – phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kiêm giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, hiện mỗi năm Việt Nam ghép tạng cho trên 1.000 người, như ghép tim, gan, thận, giác mạc, mô, phần lớn từ nguồn tạng của người hiến còn sống.
Trong 14 năm qua đã có 139 người chết não hiến tặng mô tạng, riêng năm 2024 này có 24 người chết não hiến mô tạng và cứ 10 người được ghép tạng trong năm 2024 có 1 người từ tạng hiến tặng của người hiến chết não.
Tuy nhiên so với các nước thì tỉ lệ ca ghép tạng từ người hiến chết não còn thấp, như ở Thái Lan số ca ghép hằng năm thấp hơn Việt Nam nhưng có 50-80% tạng hiến là từ người hiến chết não.
“Nguồn tạng hiến để ghép vẫn là khó khăn nhất, còn về kỹ thuật ghép tạng thì Việt Nam đã ghép được tim, gan, thận, phổi, giác mạc, chi thể, mô, ghép đa tạng…” – ông Hệ nhìn nhận.
Bà Kim Tiến đề xuất khi sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người, rất nên bổ sung cơ chế tài chính cho cả người nhận và người hiến, trong đó người nhận là chi phí ca ghép và điều trị sau ghép.