Những ngày qua, thông tin từ nhiều công ty du lịch tại Đà Nẵng và Quảng Nam cho biết tình trạng du khách bị say nắng phải nhập viện tăng cao.
Uống đủ nước
Bác sĩ Trần Đức Thắng – giám đốc Trung tâm Bác sĩ Gia Đình, Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng – cho hay say nắng là cấp cứu thường gặp nhất trong mùa hè, rất hay gặp ở những du khách vốn không quen với nắng nóng tại Đà Nẵng vào thời điểm này.
Bác sĩ Thắng lưu ý du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới:
– Bổ sung đủ nước trong chuyến đi: Nhu cầu nước của một người lớn là khoảng 1,5 lít nước lọc trong 1 ngày. Nhu cầu này có thể tăng lên khi du khách ở ngoài nắng lâu. Có thể bổ sung bằng nước lọc, nước khoáng, nước trái cây hoặc các nước uống thể thao chứa nhiều chất điện giải.
Nên uống nước trước khi tham gia bất kỳ hoạt động nào ngoài trời. Uống một ngụm nước nhỏ mỗi 20 – 30 phút khi ở ngoài nắng, kể cả khi bạn không thấy khát.
– Tránh để thân nhiệt tăng quá cao: Sử dụng quần áo thoáng mát, sử dụng mũ rộng vành khi đi ra ngoài nắng. Nên lựa chọn thời điểm sáng sớm hoặc chiều muộn để tham gia các hoạt động ngoài trời. Tránh ra ngoài vào thời điểm sau 10h và trước 15h.
– Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng 30 trở lên.
– Nhận biết những dấu hiệu say nắng để có thể hỗ trợ người thân: Tăng thân nhiệt, đau đầu, chóng mặt, nặng hơn có thể thay đổi trạng thái tinh thần. Đỏ da, ra rất ít mồ hôi, buồn nôn, nôn ói… Nặng hơn có thể ngất xỉu, mất ý thức, co giật.
“Khi gặp những dấu hiệu trên, hãy đưa người thân của mình vào ngay khu vực mát mẻ, đưa tới các cơ sở y tế để được hỗ trợ”, bác sĩ Thắng nói.
Du lịch vẫn nên ăn đúng giờ
Bác sĩ Nguyễn Thị Hà Đoan – trưởng khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng – cho biết nhiều người có sở thích mang theo thức ăn khi đi du lịch, thực phẩm đã qua chế biến để ở nhiệt độ phòng trong vòng 2 tiếng đã có nguy cơ nhiễm khuẩn. Vì vậy nên bảo quản thức ăn ở nhiệt độ lạnh khi mang theo trong chuyến đi, khi dùng có thể hâm lại.
Cần ăn đúng giờ, vì thời điểm đó hàng quán sử dụng thức ăn mới nấu, nếu ăn trễ quá có thể lúc này thức ăn đã nguội, để lâu nên dễ có vi khuẩn xâm nhập.
Cần tìm hiểu nhiều nguồn để chọn hàng quán đáng tin cậy. Nếu ăn hải sản, nên chọn những nhà hàng có hải sản tươi sống, món ăn mới được chế biến. Nên chọn những món ăn đã được nấu chín, đun sôi. Nếu có trẻ nhỏ, nên mang theo nước đảm bảo đã được nấu sôi, hoặc dùng nước đóng chai cho bé.
Đặc biệt khi thức ăn có mùi lạ hoặc nếm thấy vị lạ thì không nên tiếp tục ăn. Một số trường hợp nước đá làm từ nguồn nước không an toàn cũng là nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong một số trường hợp, có thể thay thế bằng nước ướp lạnh thay vì bỏ thêm đá. Cần rửa tay trước khi ăn và sau khi chạm vào bề mặt không sạch.
“Khi đi du lịch, có thể mang theo một số loại thuốc không kê toa như thuốc hạ sốt, men vi sinh, thuốc bù dịch điện giải. Trong trường hợp nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, nổi ban ngứa sau ăn… nên đến trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời”, bác sĩ Đoan khuyến cáo.