Sau khi viêm họng, phế quản hay phổi, dù đã hết bệnh vẫn có thể ho phản xạ một thời gian sau đó mới hết ho hẳn. Nếu việc ho khiến chúng ta quá khó chịu dù bệnh đã thuyên giảm, liệu có cách nào cổ họng ít bị “tra tấn” hơn không?
Dị ứng, nhiễm trùng và trào ngược axit chỉ là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến ho nhiều. Một số biện pháp tự nhiên có thể giúp giảm ho, tuy nhiên trước khi áp dụng cần tìm hiểu nguyên nhân thật sự gây ho từ bác sĩ của bạn.
1. Mật ong
Một nghiên cứu năm 2021 đã xem xét tác dụng của việc sử dụng mật ong để điều trị ho do nhiễm trùng đường hô hấp trên. Họ đã phát hiện ra rằng mật ong vượt trội hơn so với cách chăm sóc thông thường, cả trong việc ngăn chặn cơn ho và giúp ngăn ngừa nhu cầu sử dụng kháng sinh.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã so sánh mật ong với dextromethorphan, một loại thuốc giảm ho phổ biến.
Kết quả cho thấy cả mật ong và dextromethorphan đều có tác dụng ngăn chặn cơn ho. Nhưng mật ong đạt điểm cao hơn một chút trong một thử nghiệm và ngang bằng với dextromethorphan trong một thử nghiệm khác.
2. Gừng
Gừng có thể làm dịu cơn ho khan hoặc hen suyễn vì nó có đặc tính chống viêm. Nó cũng có thể làm giảm buồn nôn và phần nào có tác dụng giảm đau.
Chúng ta có thể thêm gừng vào các món ăn hoặc uống trong trà. Tuy nhiên, dù hiếm nhưng vẫn có một số trường hợp, trà gừng có thể gây khó chịu cho dạ dày hoặc ợ chua.
3. Uống nước ấm
Nước ấm có thể giúp bạn dễ chịu, giảm cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi do cảm lạnh hoặc cảm cúm. Nước có thể là nước lọc, nước trái cây, trà thảo mộc.
4. Hơi nước
Khi ho có đờm, hơi nước ấm giúp chúng ta dễ chịu và giảm cảm giác rát họng hơn. Chúng ta có thể tắm nước ấm. Một số trường hợp có thể cảm thấy dễ chịu khi xông hơi, nhưng cần lưu ý không nên xông hơi quá nóng vì có thể gây bỏng đường hô hấp, niêm mạc hô hấp khá nhạy cảm, không giống như da.
Khi da thấy nóng nghĩa là quá nóng đối với niêm mạc. Bên cạnh đó, nếu bạn có cơ địa dị ứng, nhạy cảm thì cần cẩn trọng khi muốn thêm tinh dầu hoặc thảo mộc vào khi xông hơi, vì chúng sẽ kích thích niêm mạc đường hô hấp của bạn.
5. Súc miệng bằng nước muối
Đây là điều mà các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên làm khi bạn đi khám. Nước muối giúp giảm đau họng, làm lỏng chất tiết, thậm chí nước muối sinh lý là kẻ thù của một số loại vi khuẩn.
Nếu ho hay đau họng, bạn nên súc miệng bằng nước muối ít nhất 2 lần 1 ngày, hoặc bất cứ khi nào bạn có thể.
6. Nên tránh điều gì?
Tránh uống rượu, hút thuốc lá, kể cả hít khói thuốc lá thụ động, đồ ăn cay nóng, nếu ho tăng lên khi nằm, hãy thử kê cao đầu và lưng khi ngủ.
7. Ho thế nào thì cần đi khám?
Nếu bạn ho kèm các dấu hiệu như: đờm có mùi hôi, màu xanh hoặc vàng sậm, ớn lạnh, dấu hiệu của mất nước (môi khô, tiểu ít…), sốt cao khó hạ, sốt kéo dài hơn 3 ngày, ho kéo dài hoặc có bất cứ lo lắng nào khác về sức khỏe của bản thân thì đã đến lúc bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân thật sự và tránh biến chứng nặng xảy ra.
Cuối cùng, cần lưu ý rằng ho là triệu chứng, không phải bệnh, điều cốt lõi là cần tìm nguyên nhân gây ho. Không có bất cứ một phương pháp nào giúp bạn giảm ho ngay lập tức, vì vậy hãy tập trung vào nguyên nhân gốc rễ.