Gắng sức tham gia giải thi chạy ban đêm, 3 người cấp cứu

Gắng sức tham gia giải thi chạy ban đêm, 3 người nhập viện cấp cứu  - Ảnh 1.

Một giải chạy marathon được tổ chức ban đêm từng diễn ra tại TP.HCM – Ảnh: H.T.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 14-10, bác sĩ Vũ Đức Nhân – phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (TP.HCM) – cho biết khoa cấp cứu bệnh viện vừa tiếp nhận 3 người (gồm 2 nam 46 tuổi, 38 tuổi và 1 nữ, 19 tuổi) với chẩn đoán là ngất do gắng sức khi tham gia một giải thi chạy được diễn ra vào ban đêm tại TP.HCM mới đây.

Tại bệnh viện, sau khi được thăm khám và điều trị, ba bệnh nhân đều tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn định. Hiện một bệnh nhân đang theo dõi tại khoa nội để tầm soát thêm các bệnh lý tim mạch, hai bệnh nhân còn lại đã xuất viện.

Thời gian gần đây, các giải chạy bộ dần nở rộ và tạo thành trào lưu lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Tuy nhiên đã có nhiều trường hợp gặp sự cố nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng – chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TP.HCM – cho rằng chạy bộ là môn thể thao phổ biến. 

Bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn nhiều yếu tố bất cập, dẫn đến mất an toàn cho người tham gia.

Phần lớn tham gia theo trào lưu và cảm thấy được động viên, hưng phấn, nên cố gắng chạy hết sức, “vượt lên chính mình” mà không rõ được nguy cơ đối với sức khỏe của bản thân. Đặc biệt ở người trẻ thường đối diện nguy cơ hơn khi chủ quan nghĩ rằng bản thân mình còn trẻ khỏe.

Điều này còn cực kỳ nguy hiểm đối với những người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, cơ xương khớp… 

Với cung đường chạy dài thì rủi ro rất cao như tăng nhịp tim, tăng huyết áp, dẫn đến khó thở cấp tính, lên cơn hen suyễn, thậm chí đột quỵ tim, đột quỵ não, ngừng tim.

Không những thế, còn có các giải thi đấu diễn ra vào ban đêm và sáng sớm. Đây là thời điểm cơ thể thông thường được nghỉ ngơi và ngủ, nhưng lại thi chạy khiến đồng hồ sinh học bị rối loạn, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và an toàn trên đường chạy.

Trước những rủi ro nhất định đối với sức khỏe người tham gia, theo bác sĩ Huy Đổng, nên phân loại các giải chạy và tổ chức chặt chẽ hơn. Có đội ngũ y tế đầy đủ phân bố nhiều cung đường và phù hợp với số lượng người chạy.

Đồng thời cần quan tâm, giáo dục phổ biến cho người tập về giới hạn sức khỏe của bản thân và các dấu hiệu nguy hiểm để ngừng tham gia kịp thời.

Với những người có bệnh lý nền (đặc biệt bệnh tim mạch, cao huyết áp, cơ xương khớp…), nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ các khuyến cáo trước khi tham gia giải.

XUÂN MAI