Khi bạn học được điều gì đó mới, cách tốt nhất để ghi nhớ là ngủ bởi giấc ngủ sẽ giúp củng cố trí nhớ mà bạn đã hình thành trong suốt cả ngày và liên kết những ký ức mới với những ký ức trước đó.
Mối quan hệ giữa trí nhớ và giấc ngủ đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu từ đầu thế kỷ 19.
Sự hình thành trí nhớ dài hạn là một trong những chức năng chính của giấc ngủ. (Ảnh: iStock)
Cho đến nay, hàng trăm nghiên cứu đều đưa ra kết quả đồng nhất rằng giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình củng cố trí nhớ – một quá trình mà não bộ phân loại các trải nghiệm trong ngày và lựa chọn những sự kiện nhất định để lưu trữ trong trí nhớ dài hạn.
Tiến sỹ Matthew Walker, một nhà khoa học nghiên cứu về giấc ngủ tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), cho biết giấc ngủ và trí nhớ chia sẻ một mối quan hệ phức tạp. Nghỉ ngơi đầy đủ giúp đầu óc minh mẫn, từ đó hỗ trợ bạn xử lý nhanh chóng các thông tin được tiếp xúc. Và giấc ngủ sau khi học sẽ giúp củng cố các thông tin thành trí nhớ, cho phép bạn lưu trữ chúng trong não bộ.
Một giấc ngủ đối với người trưởng thành khỏe mạnh sẽ có 4 giai đoạn:
Trong đó, 3 giai đoạn NREM sẽ giúp cho não bộ được phục hồi sau một ngày làm việc dài và chuẩn bị cho não học thông tin mới vào ngày hôm sau. Việc bạn mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc sẽ khiến khả năng học những điều mới của bạn có thể giảm tới 40%.
Tiến sỹ Walker khẳng định bạn không thể thức trắng đêm mà vẫn học tập hiệu quả. Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến một phần của não gọi là hồi hải mã, đây là phần quan trọng để tạo ra những ký ức mới.
Giấc ngủ và trí nhớ chia sẻ một mối quan hệ phức tạp. (Ảnh: iStock).
Bạn tích lũy nhiều ký ức từ mọi khoảnh khắc khi bạn thức nhưng hầu hết chúng sẽ bị lãng quên trong ngày. “Khi ký ức bắt đầu hình thành, chúng ở dạng rất thô sơ và mong manh”, tiến sỹ Robert Stickgold, chuyên gia về giấc ngủ của Trường Y Harvard, cho biết.
Nhưng khi bạn ngủ thiếp đi, trong giai đoạn NREM, não bộ bắt đầu sắp xếp các ký ức gần đây, lọc những ký ức quan trọng và loại bỏ những thông tin khác.
Những ký ức được chọn lọc sẽ được đưa vào giấc ngủ NREM và trở nên cụ thể hơn, quá trình này cũng sẽ tiếp tục trong giấc ngủ REM. “Trong một đêm ngủ, một số ký ức được củng cố”, Tiến sỹ Stickgold giải thích.
Trong giấc ngủ REM, ký ức mới được hợp nhất của bạn sẽ được kết nối với ký ức trước đó, bao gồm cả ký ức về cuộc sống cũng như thư viện sự kiện và kiến thức của bạn.
Tiến sỹ Andrew E. Budson, Trường Y Harvard, cho biết mối liên hệ giữa ký ức gần đây với ký ức và kiến thức trước đó là một lý do khiến bạn có thể thức dậy với góc nhìn mới và có giá trị về một vấn đề, thậm chí là một giải pháp hoàn chỉnh.
Thực tế đó đã xảy ra với Dmitri Mendeleev, người đã vật lộn trong nhiều tháng với cách sắp xếp các nguyên tố nguyên tử trong bảng tuần hoàn. Trong một giấc mơ vào ngày 17/2/1869, ông thoáng thấy vị trí của tất cả các nguyên tố và sau khi viết ra những gì mình mơ thấy, ông chỉ cần sửa một lỗi nhỏ.
Bên cạnh đó, giấc ngủ REM cũng giúp xử lý cảm xúc. Khi bạn trải qua số cảm xúc không tốt, thường bạn sẽ cảm thấy khá hơn vào lúc thức dậy ngày hôm sau, và bạn sẽ ứng phó với những tình huống hoặc trải nghiệm khó khăn dễ dàng hơn.
Giấc ngủ REM cũng giúp xử lý cảm xúc. (Nguồn: iStock).
Tuy nhiên, chất lượng giấc ngủ thay đổi khi chúng ta già đi. Một nghiên cứu của Tiến sỹ Matthew Walker và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng những người ở độ tuổi hơn 60 bị giảm 70% giấc ngủ sâu so với những người trẻ tuổi từ 18-25 tuổi.
Điều này liên quan đến giấc ngủ sóng chậm. Sóng chậm được tạo ra ở một vùng não được gọi là vỏ não trước trán giữa. Vỏ não trước trán giữa sẽ suy yếu theo thời gian và do đó, người lớn tuổi thường trải qua ít giấc ngủ sóng chậm hơn trong chu kỳ ngủ bình thường và khó xử lý ký ức hơn.
Do việc suy giảm trí nhớ có liên quan đến việc giảm giấc ngủ sâu, các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu các phương pháp giúp tăng cường các giai đoạn ngủ sâu để cải thiện trí nhớ ở nhóm người cao tuổi này.
Đối với những người trẻ tuổi, đặc biệt là sinh viên, Tiến sỹ Stickgold nhấn mạnh việc thức khuya để học bài sẽ không hiệu quả bằng việc bạn ngủ đủ giấc trước và sau khi học để tăng cường trí nhớ mới và củng cố các kiến thức đã học.