Hiện tượng mất trí nhớ thoáng qua khiến nhiều người không có ký ức nào về các buổi hòa nhạc hoặc sự kiện quan trọng họ đã ngóng chờ từ lâu.
“Nếu phải mô tả cảm giác sau khi xem buổi biểu diễn Taylor Swift, tôi chỉ có thể nói là tôi quên sạch, như thể nó chưa từng diễn ra”, Guenaëlle, 22 tuổi, chia sẻ sau khi trở về từ sân vận động La Défense Arena, Paris, ngày 9/5.
Để có trong tay chiếc vé tham gia sự kiện, cô đã chờ đợi trong gần một năm. Tuy nhiên, khi sự kiện đã diễn ra, Guenaëlle không thể nhớ trình tự các bài hát, màu sắc trang phục của Taylor hay các phần vũ đạo.
“Mặt khác, tôi nhớ từng chi tiết trên đường đến và trở về khách sạn”, cô giải thích.
Guenaëlle không phải người đầu tiên có trải nghiệm kỳ lạ này. Nhiều người hâm mộ âm nhạc chia sẻ họ “như bị thôi miên và đánh cắp trí nhớ” sau khi tham gia buổi biểu diễn của ca sĩ ưa thích – sự kiện mà họ đã ngóng chờ hàng tháng, thậm chí nhiều năm.
“Nhiều khách hàng của tôi đã tham gia buổi biểu diễn của Taylor ở New Jersey. Ngay hôm sau, họ không nhớ bất cứ điều gì, như trong não họ có những khoảng trống. Tôi cho rằng đây là hiện tượng có thể giải thích bằng khoa học”, Nathan Carrollary, bác sĩ tâm thần tại Trung tâm Y tế Đại học Jersey Shore, cho biết.
Ông cho biết đây là “cơn mất trí nhớ thoáng qua” (transient global amnesia – TGA), đặc trưng bởi tình trạng mất trí nhớ trong thời gian ngắn. Hiện tượng xảy ra khi não bộ con người trải nghiệm các cảm giác cực độ như quá phấn khích, quá căng thẳng, quá hoảng sợ, ảnh hưởng đến khả năng mã hóa ký ức.
“Trí nhớ của chúng ta cực kỳ nhạy cảm với sự căng thẳng, dù nó đến từ trải nghiệm tích cực hay tiêu cực”, ông Carrollary nhấn mạnh.
Taylor Swift trình diễn tại Tokyo, Nhật Bản, hôm 7/2. (Ảnh: Reuters).
Theo nghiên cứu 200 tình nguyện viên, công bố trên tạp chí của Học viện Thần kinh Brazil Arquivos de Neuro-Psiquiatria, hội chứng mất trí nhớ thoáng qua phổ biến ở người từ 50 đến 80 tuổi. Yann Humeau, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, Viện Khoa học thần kinh (IINS) cho biết, hiện tượng này gần giống rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Cường độ bộ nhớ, sự quá tải ở hạch hạnh nhân, cơ chế hoạt động để mã hóa bộ nhớ cảm xúc có điểm tương đồng.
Sự gia tăng adrenaline (hormone sản sinh khi cơ thể sợ hãi, tức giận, thích thú) và cortisol (hormone căng thẳng) góp phần tạo ra hiện tượng này. Trong 20 năm qua, nghiên cứu về chứng mất trí nhớ sau chấn thương thường tập trung vào vùng hải mã – khu vực não đặc biệt liên quan đến căng thẳng.
Thực tế, mất trí nhớ thoáng qua khá phổ biến. Carrollary cho biết buổi trình diễn âm nhạc không phải sự kiện duy nhất có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Trận đấu thể thao, đám cưới, lễ tốt nghiệp hay bất kỳ khoảnh khắc nào dễ tạo sự phấn khích, áp lực, lo sợ, căng thẳng đều gây ra tình trạng này.
“Bạn sẽ trải nghiệm nó nhiều lần trong cuộc sống”, Carrollary nói.
Theo Robert N. Kraft, giáo sư danh dự về Tâm lý học nhận thức tại Đại học Otterbein ở Ohio, các sự kiện vui vẻ vừa phải tạo ra kỷ niệm, trở thành ký ức tổng thể. Nhưng khi cảm giác phấn khích tăng lên, sự tập trung thu hẹp, con người nhớ ít chi tiết và bối cảnh hơn.
Trải nghiệm mất trí nhớ của từng người sau khi xem hòa nhạc cũng khác nhau. Người bị lo lắng, trầm cảm dễ trải nghiệm hơn số còn lại. Guenaëlle là ví dụ. Cô bị rối loạn lo âu từ nhỏ, “ngủ rất ít trong 4 hoặc 5 đêm trước buổi hòa nhạc”. Theo Humeau, giấc ngủ đóng “vai trò cơ bản trong việc củng cố thông tin có thể mã hóa”. Tuy nhiên, sự phấn khích có thể làm gián đoạn quá trình mã hóa này.
Những người quên đi khoảnh khắc quan trọng đã chờ đợi từ lâu thường có cảm giác tội lỗi sau đó.
“Tôi cảm thấy có lỗi vô cùng, bởi không hiểu vì sao mình lại chẳng nhớ được gì về buổi hòa nhạc, như thể tôi chưa tận hưởng đủ vậy”, Guenaëlle nói.
Tuy nhiên, giáo sư Kraft giải thích, gặp khó khăn trong việc ghi nhớ có nghĩa não đã ghi nhận đầy đủ sự đa dạng cảm xúc ở thời điểm trải nghiệm.
“Không nhớ về buổi hòa nhạc lại là minh chứng cho việc bạn đã sống trọn vẹn trong khoảnh khắc và thực sự tận hưởng trải nghiệm đó”, Kraft nói.