Theo nghiên cứu được công bố tuần trước trên tạp chí New England Journal of Medicine, những bệnh nhân hồi phục sau các triệu chứng COVID-19 đã bị suy giảm nhận thức tương đương 3 điểm IQ (chỉ số thông minh) so với những người không mắc COVID-19.
Trong khi đó, những người trải qua các triệu chứng dai dẳng kéo dài 12 tuần trở lên có chỉ số IQ giảm 6 điểm.
Tác động của COVID-19 càng rõ rệt hơn ở những người được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), với mức giảm IQ lên tới 9 điểm so với những người chưa mắc COVID-19.
Đồng thời các nhà khoa học “nhận thấy một lợi thế nhỏ về nhận thức ở những người tham gia có tiêm phòng nhiều lần”.
Tổng cộng có 800.000 người được mời tham gia nghiên cứu trên, với khoảng 113.000 người hoàn thành nghiên cứu. Những người tham gia được yêu cầu làm các bài kiểm tra trực tuyến để đánh giá khả năng nhận thức của họ.
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi xác nhận mối liên hệ giữa sự suy giảm nhận thức với sự thay đổi tâm trạng và sự mệt mỏi cũng như với nhiều triệu chứng khác. Do đó, có khả năng nhiều yếu tố góp phần gây ra tình trạng suy giảm nhận thức hậu COVID-19”, các nhà nghiên cứu nói.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những người bị suy giảm nhận thức do các triệu chứng COVID-19 dai dẳng sau này có thể lấy lại một phần khả năng của mình.
Một bài bình luận trên tạp chí New England Journal of Medicine dành riêng cho nghiên cứu đã gọi các kết quả nói trên là đáng lo ngại, nhưng cũng lưu ý “những tác động rộng hơn cần được đánh giá”.
Ngoài ra, nghiên cứu trên cũng có một số hạn chế. Các nhà nghiên cứu thiếu dữ liệu về mức IQ của người tham gia trước khi họ mắc COVID-19. Do đó, họ phải so sánh kết quả của người mắc COVID-19 với người chưa mắc COVID-19, thay vì đo lường sự thay đổi nhận thức của chính người bệnh.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng cộng 774 triệu ca mắc COVID-19 được ghi nhận trên toàn cầu, trong đó có 7 triệu ca tử vong. Ngoài suy giảm nhận thức, tác động lâu dài của COVID-19 còn bao gồm khó thở, đau ngực, mệt mỏi…