Mới đây Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị bệnh mạn tính đã ổn định (đái tháo đường, tăng huyết áp…) lên tối thiểu 60 ngày và tối đa 90 ngày, thay vì 30 ngày như hiện nay.
Tuổi Trẻ Online đã ghi nhận người bệnh mạn tính vất vả thăm khám tại các bệnh viện hiện nay ra sao.
Gian nan đường tái khám của người bệnh mạn tính
Mắc bệnh tim và tăng huyết áp hơn 10 năm nay, bà Đ.T.T. (74 tuổi, huyện Bình Chánh) phải thường xuyên đến bệnh viện tái khám để được bác sĩ kê đơn thuốc, quãng đường từ nhà đến bệnh viện dài hơn 20km.
Mỗi lần đến bệnh viện, bà T. thường tranh thủ dậy sớm lúc 5h, dọn dẹp đồ đạc để kịp đến 6h lên chuyến xe buýt đầu tiên từ Bình Chánh đến Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5) tái khám.
Để đến được bệnh viện, bà phải đổi ba chuyến xe buýt liên tục, trước đây bác sĩ thường dặn khám một tháng/lần, nhưng giờ là 3 tuần/lần.
“Sáng tranh thủ dậy sớm để lo việc gia đình xong, tôi đến bệnh viện lúc 10h, bắt đầu thăm khám ít nhất cũng phải mất đến 4 tiếng.
Mỗi lần đi khám là phải tốn hết cả ngày, về đến nhà cũng đã là 4-5h chiều.
Nhiều người bạn, người thân của tôi cũng tái khám 3 tuần/lần, đôi khi không có điều kiện, thời gian nên đến tuần thứ 4, 5 họ thường ra ngoài mua thuốc hoặc mua thuốc theo toa trước đó bác sĩ kê, ít khi quay lại bệnh viện tái khám đúng hẹn”, bà T. tâm sự.
Bà T. cũng cho biết thêm đối với các bệnh mạn tính đã điều trị ổn định, các loại thuốc tái khám là như nhau, nhưng phải tốn thời gian công sức cứ 3 tuần đến bệnh viện tái khám người lớn tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, trường hợp của bà N.N.H. (70 tuổi, quận 8) gần 10 năm khám bệnh tiểu đường cho biết bà cũng bắt buộc phải tái khám 3 tuần/lần. Thế nhưng thời gian tái khám 3 tuần trôi qua rất nhanh, đi lại vừa tốn thời gian, chi phí.
Bà H. cho hay đi khám, nhiều người bằng tuổi phải bắt xe các tỉnh xa như Cà Mau, Bạc Liêu đến khám rất vất vả.
“Có người bạn tôi, mỗi lần đi khám không đi xe khách được, phải đi taxi, tiền khám không bao nhiêu mà tiền xe thôi đã hơn 2 triệu đồng. Có bệnh nhân ở xa đi từ khuya, sáng mới đến, đợi khám xong lại về, đến kỳ khám lại lên. Như vậy vừa tốn thời gian, lại tốn quá nhiều chi phí di chuyển.
Việc khám, lãnh thuốc 2 tháng/lần rất phù hợp với họ. Chúng ta cần linh hoạt, nếu bệnh nhẹ thì tăng thời gian kê đơn, ngược lại nặng thì phải thường xuyên đi khám dưới sự theo dõi của bác sĩ”, bà H. nói.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, sáng 22-4, tại Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), nhiều người cao tuổi mắc bệnh mạn tính đã có mặt từ sớm để được thăm khám.
Chủ yếu người bệnh đã lớn tuổi, mắc các bệnh như: bệnh tim, đái tháo đường, huyết áp, khớp… Nhiều cụ lớn tuổi vẫn phải tự bắt xe đến bệnh viện thăm khám vì không có người nhà đưa đi.
Cần xem xét mức độ bệnh mạn tính
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Trần Quốc Hùng – giám đốc Bệnh viện quận 8 (TP.HCM) – cho biết tại bệnh viện, người bệnh mạn tính thăm khám và điều trị chiếm khoảng 50% đến 60%, chủ yếu là các bệnh như: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim…
Đối với người bệnh mạn tính đã điều trị ổn định, việc đưa thời gian kê đơn từ tối đa 30 ngày lên tối đa 60 ngày sẽ có lợi cho người bệnh như các trường hợp: tăng huyết áp nhẹ sử dụng 1-2 loại thuốc.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp nặng như đái tháo đường nặng phải xài các loại thuốc tiêm, tăng huyết áp nặng phải dùng thuốc liều cao, hen COPD…, việc tăng thời gian kê đơn lên 60 ngày sẽ không có lợi cho người bệnh.
Theo bác sĩ Hùng, hiện nay các trường hợp bệnh mạn tính nếu đã đến bệnh viện thăm khám đa phần bệnh không nhẹ, thuộc dạng nặng, do vậy nếu điều chỉnh thời gian kê đơn cần linh hoạt xem xét kỹ.
Ngoài ra, trường hợp nếu kê đơn thuốc dài ngày, người bệnh trở nặng đến bệnh viện tái khám được kê đơn thuốc mới sẽ lãng phí thuốc cũ, rất khó quản lý thuốc.
Bên cạnh đó, nếu kê đơn dài ngày không có sự kiểm soát có thể dẫn đến trục lợi, lấy thuốc đem ra ngoài bán vì số lượng thuốc nhiều.