Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gần 1/3 dân số người trưởng thành trên toàn cầu, hay khoảng 1,8 tỉ người, đã không đạt được mức tập thể dục được khuyến nghị vào năm 2022.
Người trưởng thành ngày càng ít tập thể dục
Theo tiêu chuẩn của WHO, người trưởng thành nên có 150 phút hoạt động thể chất cường độ vừa phải, 75 phút hoạt động cường độ mạnh hoặc tương đương mỗi tuần.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thu nhập cao, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, có tỉ lệ không hoạt động thể chất cao nhất (48%). Tiếp theo là khu vực Nam Á (45%), bao gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.
“Châu Á chiếm khoảng 30% dân số thế giới, nhưng gánh chịu gần 50% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Chúng ta có nhiều bệnh nhân tiểu đường, ung thư và tim mạch hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”, Abrar Mir – đồng sáng lập Quadria Capital, đơn vị chăm sóc sức khỏe độc lập tại châu Á – cho biết.
Trung bình, phụ nữ cho thấy mức độ không hoạt động thể chất cao hơn (34%) so với nam giới (29%). Khoảng cách này rõ rệt nhất ở khu vực Nam Á, nơi tỉ lệ không hoạt động thể chất ở phụ nữ cao hơn nam giới 14 điểm phần trăm, theo báo cáo được công bố trên tạp chí The Lancet Global Health.
Fiona Bull, trưởng bộ phận hoạt động thể chất của WHO, cho biết mức độ hoạt động thể chất được xác định bởi một loạt yếu tố gồm động lực cá nhân, thời gian sẵn có, cũng như các yếu tố xã hội và môi trường, như thói quen của những người xung quanh, hoặc thậm chí là nhiệt độ và khí hậu của khu vực.
“Phụ nữ có nhiều vai trò. Họ vẫn đảm nhiệm phần lớn công việc chăm sóc gia đình và nhà cửa. Điều này có nghĩa là họ có ít thời gian hơn, đặc biệt là nếu họ cũng đang đi làm”, Bull cho biết.
“Và tất nhiên, đối với một số nhóm dân số, đặc biệt là phụ nữ và người lớn tuổi, lý do còn có thể liên quan đến các giá trị văn hóa và xã hội”.
Theo Bull, trẻ em và thanh thiếu niên có thể chịu áp lực phải tập trung vào việc học, khiến thời gian tập thể dục ít hơn, và một số thói quen này có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Không có lý do nào duy nhất giải thích vì sao một số khu vực và nhóm người lại hoạt động thể chất nhiều hơn so với những nhóm khác. Trách nhiệm thuộc về chính phủ trong việc tạo ra chính sách và cam kết nguồn lực để ưu tiên và thúc đẩy sức khỏe, hạnh phúc cho người dân của mình, Bull cho biết.
Các rủi ro đến từ việc ít vận động
Mọi người nói chung đã trở nên ít hoạt động hơn kể từ năm 2000, khi tỉ lệ không hoạt động thể chất ở người trưởng thành toàn cầu vào năm 2022 tăng lên 31,3%, so với 26,4% ghi nhận vào năm 2010 và 23,4% vào năm 2000, theo nghiên cứu dựa trên 507 cuộc khảo sát ở 163 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Điều này có thể được giải thích một phần bởi việc ứng dụng công nghệ mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây.
Bull nói: “Mọi người làm việc ngày càng nhiều trên các thiết bị điện tử, máy tính, và thường ngồi nhiều khi họ gửi email thay vì trò chuyện trực tiếp. Do đó, chúng ta không di chuyển nhiều giữa các cuộc họp”.
Việc thiếu tập thể dục này đặt mọi người vào nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và các bệnh không lây nhiễm khác, vốn là “nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm trên thế giới ngày nay”, cướp đi hơn 10 triệu sinh mạng mỗi năm, theo Bull.
Bull nhấn mạnh hoạt động thể chất cũng có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng mất trí nhớ – nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người lớn tuổi, và khi dân số người cao tuổi trên toàn cầu tiếp tục gia tăng, số người mắc chứng mất trí dự kiến đạt 78 triệu người vào năm 2030, WHO cho biết.
“Hoạt động thể chất vừa ngăn ngừa một số bệnh mãn tính, vừa thúc đẩy sức khỏe tinh thần và thể chất một cách tích cực”, Bull chia sẻ. Việc vận động đủ là rất quan trọng để có sức khỏe tốt, từ cải thiện tâm trạng và nhận thức đến thúc đẩy khả năng học tập ở trẻ em.