Phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Ngọc Hải, giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, về thành tựu này và những định hướng sắp tới của bệnh viện.
* Cháu bé được thông tim từ trong bào thai đầu tiên hiện sức khỏe thế nào, thưa bác sĩ? Và cả ca thứ 2 được thông tim trong bào thai?
– Bác sĩ Trần Ngọc Hải: Cháu bé đầu tiên được thông tim từ trong bào thai hiện đang phát triển như một cháu bé bình thường, không cần bất kỳ một trợ giúp y tế nào. Cháu đã được xuất viện và đang ở cùng với bố mẹ. Trường hợp thông tim trong bào thai đầu tiên đã thành công mỹ mãn. Các bác sĩ vẫn sẽ tiếp tục theo dõi cho cháu bé.
Mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm cháu bé tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và đã khen ngợi thành công của ca can thiệp thông tim trong bào thai đầu tiên này. Còn ca thông tim trong bào thai thứ hai đang được theo dõi, thai nhi đã được gần 37 tuần tuổi. Cả thai phụ và thai nhi đều đang phát triển tốt, ổn định.
* Là người trực tiếp mổ đưa cháu bé được thông tim trong bào thai đầu tiên chào đời, bác sĩ có cảm thấy bị áp lực? Bác sĩ có thể chia sẻ tâm trạng lúc đó?
– Đứng trước một trường hợp đặc biệt, áp lực về mặt tâm lý không phải ai cũng có thể vượt qua. Trước cuộc phẫu thuật này, giám đốc Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo phải thực hiện chính xác, an toàn tuyệt đối.
Mổ lấy thai là công việc hằng ngày của các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ. Cá nhân tôi đã phẫu thuật sản phụ khoa trên 34 năm. Đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện nói tôi là người có nhiều kinh nghiệm và đề nghị tôi nên phẫu thuật cho ca này.
Thật sự, trước mổ tôi cũng lo lắng là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mẹ và bé. Nhưng khi bước vào cuộc mổ thì đã tập trung hoàn toàn vào cuộc mổ. Đó là bản lĩnh của người phẫu thuật viên, giống như bản lĩnh của ê kíp Bệnh viện Từ Dũ đã can thiệp vào bào thai này từ trước đó.
Còn hôm chuẩn bị đón cháu bé chào đời (30-1-2024), chúng tôi đã bố trí 3 ê kíp. Ê kíp phẫu thuật, ê kíp can thiệp tim và ê kíp hồi sức sơ sinh. Toàn bộ y bác sĩ đã rất tập trung để vượt qua áp lực. Điều đó thể hiện qua ánh mắt. Không ai nói ra một câu nào để tập trung công việc, cuối cùng đã đạt được kết quả an toàn tuyệt đối, mỹ mãn, bé trai nặng 2,9kg, khóc to, chào đời khỏe mạnh.
* Trong không gian rất yên tĩnh, rất tập trung đó, tiếng khóc rất to của cháu bé lúc chào đời đã chạm đến cảm xúc của cácbác sĩ lúc đó ra sao?
– Tôi không có nhiều ngôn từ để diễn tả nhưng thật sự đó là một cảm xúc chạm đến tất cả các tế bào của cả tập thể theo dõi, chăm sóc ca này suốt hơn ba tháng qua, từ khi bắt đầu tiếp nhận thai phụ đến khi thông tim trong bào thai cho thai phụ và cuối cùng là đứng trong phòng mổ để đón em bé chào đời.
Khi đạt được “trái ngọt mỹ mãn đầu tiên”, ai cũng xúc động, nghẹn ngào. Sứ mệnh của nghề y là luôn phải chịu được sức ép, phải đảm bảo được sự an toàn, sự sống. Đội ngũ y bác sĩ đã nhìn nhau, thật mừng và hiểu rằng “chúng ta đã làm tốt rồi, chúng ta đã thành công rồi!”.
Cảm xúc thể hiện được nhiều nhất là cặp vợ chồng nói chuyện với tôi ngay trên bàn mổ. Hai vợ chồng hạnh phúc không nói nên lời. Cả gia đình cùng khóc.
Hai vợ chồng khóc vì cảm xúc, trẻ con khóc dễ, bình thường cũng khóc, tiếng khóc của trẻ em có khi không có nước mắt. Tiếng khóc của người lớn thì có nước mắt. Những tiếng khóc tôi nghe lúc ấy đều thể hiện sự ấm áp, hạnh phúc của gia đình bệnh nhân. Đó cũng là hạnh phúc, cảm xúc của tập thể y bác sĩ, của hai bệnh viện trong suốt quá trình theo dõi ca bệnh.
* Để có kết quả “hạnh phúc” như bác sĩ vừa diễn tả, Bệnh viện Từ Dũ đã phải chuẩn bị hành trình này như thế nào?
– Chúng tôi đã bắt đầu “nung nấu” can thiệp bào thai từ hơn 8 năm nay. Trước khi tiến hành can thiệp tim mạch, chúng tôi đã can thiệp những vấn đề khác ở trên bào thai với cả ngàn ca trong nhiều năm.
Những can thiệp này là cứu cánh cuối cùng, đã cứu sống hàng trăm bào thai mà nếu không làm thì có thể chết. Đó là những can thiệp ở mức độ 2, chưa trực tiếp vào bào thai, chỉ đụng vào trong buồng ối, hoặc đụng trên bào thai thì từ mức độ trên các dây rốn hoặc can thiệp về vấn đề truyền máu…
Chỉ khoảng hơn một năm nay, sau khi Bệnh viện Nhi đồng 1 có những chuyên gia giỏi, thành thạo về thông van tim hay là đặt stent cho van tim của trẻ sau khi sinh, đã đề xuất “còn một số bệnh ở trong bào thai về tim mạch, nếu không làm mà để ra ngoài thì chỉ có ghép tim thôi”. Mà ghép tim thì Việt Nam chưa làm được, nên nếu không thông tim được trong bào thai nghĩa là thất bại hoàn toàn.
Dựa trên các bác sĩ giỏi, cơ sở vật chất và một số trang thiết bị đã có và đặc biệt là sự ủng hộ của TP, của Sở Y tế, hai bệnh viện đã phối hợp thông tim trong bào thai cho ca đầu tiên.
Hiện nay chỉ có khoảng 20-30 trung tâm trên thế giới thực hiện được thông tim trong bào thai. Bệnh viện Từ Dũ tự hào thực hiện kỹ thuật này đã đứng ngang bằng với thế giới. Bệnh viện Từ Dũ đã phối hợp với Trung tâm can thiệp bào thai của Ý để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thông tim trong bào thai.
* Kỳ tích ca thông tim trong bào thai đầu tiên tại Đông Nam Á đã thành công sẽ mở ra những hướng phát triển của Bệnh viện Từ Dũ trong thời gian tới như thế nào, thưa bác sĩ?
– Thông tim trong bào thai là giải pháp cứu cánh cuối cùng cho những trường hợp bệnh lý tim nặng mà không phù hợp với cuộc sống nếu để kéo dài trong bào thai hoặc cho tới lúc sinh. Đây là phương pháp để cứu sống những đứa trẻ và những đứa trẻ này sẽ phát triển bình thường như ca được thông tim trong bào thai đầu tiên.
Như vậy, chúng ta đã mở ra được một phương pháp điều trị trong bào thai, cho ra những chất lượng thai nhi, những em bé sanh ra khỏe mạnh, an toàn, chi phí điều trị sau này rất thấp, rất ít, thậm chí không cần điều trị. Chúng ta đã thành công một cách hoàn hảo trong việc sửa chữa trong bào thai.
Ca thông tim thành công còn tiếp tục mở ra cánh cửa – nơi để đào tạo, nhân rộng các nguồn nhân lực, những bác sĩ có tay nghề giỏi về can thiệp bào thai, về thông tim trong bào thai. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ hướng tới can thiệp tim mạch cho bào thai. Đây là một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, nhỏ nhất, ít biến chứng nhất, nhẹ nhàng nhất mà mang lại hiệu quả tối đa, không để lại sẹo, gần như lành bệnh tức thời.