30% tử vong trước khi đến viện
PGS.TS. Vũ Đăng Lưu, giám đốc Trung tâm Điện quang – Bệnh viện Bạch Mai cho hay phình động mạch não là sự giãn khu trú dạng hình túi hoặc hình thoi động mạch trong não. Khi giãn hình túi sẽ xác định được kích thước túi và cổ túi phình. Tỉ lệ mắc là 0,5-8% dân số.
Trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất là vỡ phình động mạch não gây chảy máu dưới nhện, chiếm khoảng 60-70% các chảy máu dưới nhện.
“Khi vỡ mạch máu não, có khoảng 30% các trường hợp tử vong trước khi đến được bệnh viện. Khoảng 30% các trường hợp để lại di chứng từ nhẹ đến nặng.
Nguy cơ vỡ tái phát rất cao, nhất là trong 2 tuần đầu tiên chiếm 20%. Khi vỡ lần 2 tỉ lệ tử vong khoảng 50%.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng khác như ứ nước não thất cấp và mạn tính, co thắt mạch và nhồi máu não chiếm 46%.
Do vậy, khi phình mạch não vỡ phải điều trị cấp cứu càng sớm càng tốt để tránh vỡ tái phát và giảm tỉ lệ tử vong và tàn tật”, BS Lưu cho hay.
Theo BS Lưu hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây phình mạch não. Tuy nhiên, có một số nguy cơ dẫn đến phình mạch não như yếu tố gia đình (di truyền), tăng huyết áp, xơ vữa mạch, bệnh lý tổ chức liên kết (gan thận đa nang)…
Làm sao để nhận biết sớm?
Bác sĩ Lưu cho hay, khi có phình mạch não có thể một trong hai tình huống:
– Phình mạch chưa vỡ, lúc này có thể không có biểu hiện triệu chứng và gây chèn ép có dấu hiệu thần kinh khu trú (sụp mi, liệt nửa người, giảm thị lực…). Người bệnh cũng có thể biểu hiện nhồi máu do di chuyển cục huyết khối trong túi phình,…
– Các phình mạch chưa vỡ thì nguy cơ vỡ hàng năm tăng cao theo kích thước túi phình, khi túi phình càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao.
Trong trường hợp phình mạch đã vỡ, gây chảy máu dưới nhện. Người bệnh có biểu hiện cấp tính, xuất hiện đau đầu đột ngột, đau đầu dạng “sét đánh”, mất ý thức, nôn, buồn nôn, thậm chí hôn mê, co giật. Khám lâm sàng thấy có hội chứng màng não.
Để chẩn đoán phình mạch máu não với các phình mạch vỡ, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện chụp cắt lớp vi tính.
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính sẽ cho phép chẩn đoán hình ảnh chính xác có máu dưới nhện, trong não hay não thất không để có hướng điều trị thích hợp.
Với các trường hợp phình mạch chưa vỡ, người bệnh sẽ được chỉ định chụp cộng hưởng từ não và mạch não.
Chụp cộng hưởng từ não và mạch não cũng có giá trị để sàng lọc ở người có nguy cơ cao hoặc để theo dõi bệnh nhân sau can thiệp nội mạch nút phình mạch não. Cộng hưởng từ cho kết quả chẩn đoán rất chính xác, có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao.
Chú ý theo dõi nguy cơ mắc bệnh
Bác sĩ Nguyễn Trọng Tuyển, khoa can thiệp mạch thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khuyến cáo những người trong gia đình có bệnh nhân phình mạch, mắc gan thận đa nang nên khảo sát phình máu não, đây là những người có nguy cơ cao mắc bệnh.
Ngoài ra, những người có các yếu tố nguy cơ tuổi cao, hút nhà thuốc Mai Tín, uống nhiều rượu, vữa xơ mạch máu, nghiện ma túy … cũng nên tầm soát sớm.
PGS Lưu cho biết thêm hiện có 2 phương pháp là can thiệp nội mạch qua da và phẫu thuật. Hiện nay ở các trung tâm lớn trên thế giới, phương pháp can thiệp nội mạch được lựa chọn đầu tiên vì tỉ lệ hồi phục tốt hơn và ít di chứng hơn.
Với các phình mạch não vỡ điều trị loại bỏ túi phình ra khỏi vòng tuần hoàn càng sớm càng tốt. Hai phương pháp điều trị hiện tại được áp dụng ở Việt Nam gồm can thiệp nội mạch nút túi phình và phẫu thuật kẹp cổ túi phình.
Với các phình mạch chưa vỡ, theo khuyến cáo nên điều trị can thiệp nội mạch nếu túi phình có nguy cơ vỡ cao.
“Phình mạch não phát triển thầm lặng, có thể gây tử vong bất cứ lúc nào, tuy nhiên, chúng ta có thể phát hiện và điều trị kịp thời phình mạch trước khi ảnh hưởng đến tính mạnh và sức khỏe của người bệnh”, bác sĩ Tuyển khuyến cáo.