Gần đây, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM tiếp nhận một thiếu nữ 16 tuổi, ngụ TP.HCM, đến phòng khám cột sống với lý do đau cổ kéo dài. Bên cạnh tình trạng đau cổ, bệnh nhân ngày càng gầy gò, xanh xao, ít vận động.
Cha mẹ bệnh nhân lo sợ nữ sinh này có thể mắc một bệnh lý trầm trọng nào đó.
Khi smartphone thay thế những sinh hoạt bình thường
Sau khi thăm khám, chỉ định các xét nghiệm, chụp phim cho bệnh nhân, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đau cơ cổ, cơ cổ bị teo do bệnh nhân rất ít vận động và gần như không ra khỏi nhà. Bệnh nhân than đau cổ nhiều về đêm và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ.
Theo lời kể từ gia đình, từ trước đến nay, hằng ngày bạn trẻ này đều chơi iPad, điện thoại thông minh theo sở thích.
Ngoài việc học, cô gái không phải làm gì và suốt ngày “cắm mặt vào chiếc điện thoại smartphone”. Khi người nhà muốn tách chiếc điện thoại ra thì cô giận dỗi không ăn cơm. Cuối cùng người nhà phải nhượng bộ bằng cách tiếp tục cho cô gái sử dụng điện thoại.
“Trong trường hợp này, smartphone đã thay thế hầu hết những sinh hoạt bình thường của bệnh nhân. Tất cả mọi giao tiếp của bệnh nhân chỉ được thực hiện trên mạng xã hội.
Ngoài ra, bệnh nhân có dấu hiệu né tránh giao tiếp, không thích nói chuyện. Bệnh nhân có những biểu hiện của rối loạn lo âu, trầm cảm” – bác sĩ Vũ Tam Trực, khoa cột sống B, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, điều trị cho bệnh nhân chia sẻ.
Ngoài việc hướng dẫn các bài tập cơ cổ, điều chỉnh thói quen sinh hoạt, bác sĩ Trực đã tư vấn gia đình đưa bệnh nhân đi khám thêm chuyên khoa tâm lý.
Bác sĩ cho rằng “điều quan trọng nhất với bệnh nhân là tìm cách cai nghiện sử dụng smartphone, chấm dứt thói quen cúi cổ trong nhiều giờ khi dùng điện thoại, giữ cột sống cổ thẳng và tăng cường các hoạt động sinh hoạt ngoài trời nhằm tập mạnh cơ bắp nói chung và các nhóm cơ cổ nói riêng”.
Cũng theo bác sĩ Trực, tỉ lệ người trẻ bị thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa cột sống thắt lưng có xu hướng tăng rõ rệt trong những năm gần đây. Trước đây, tình trạng này chỉ xuất hiện ở những bệnh nhân trong độ tuổi 40-50 hoặc hơn thì hiện nay không hiếm gặp ở nhóm tuổi dưới 30.
Có một số bệnh nhân chỉ khoảng 16-17 tuổi đã có bệnh sử đau cột sống cổ kéo dài.
Bác sĩ Trực nêu những lý do dẫn đến tình trạng trên ở người trẻ tuổi, bao gồm duy trì một tư thế xấu trong thời gian dài (cúi cổ), ít vận động, không thể dục thể thao và tập luyện các nhóm cơ cạnh sống (các nhóm cơ bao quanh cột sống – PV) chịu trách nhiệm giữ vững cột sống, có lối sống tĩnh tại…
Tư thế cúi cổ xuống để coi màn hình iPad hoặc smartphone lâu dài sẽ làm cơ cổ bị mất chức năng. Lúc đầu cơ cổ chỉ bị mỏi do quá tải nhưng lâu dài sẽ gây ra tình trạng thoái hóa cơ do bị thiếu máu và thiếu vận động hợp lý.
Lúc này, toàn bộ trọng lực vùng đầu sẽ tác động hoàn toàn lên các đĩa đệm, dẫn đến thoái hóa đĩa đệm rất sớm. Về lâu dài, bệnh nhân có thể bị đau cổ mạn tính, thoái hóa cột sống cổ hoặc thoát vị đĩa đệm cổ chèn ép thần kinh.
Theo một số nghiên cứu, ở tư thế ngồi cúi xuống nhìn màn hình máy tính, điện thoại liên tục hơn 1 – 2 giờ đồng hồ có thể tăng nguy cơ thoái hóa cột sống cổ. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít người cúi cổ, nhìn xuống màn hình vi tính, laptop, màn hình smartphone hoặc iPad hơn 4 giờ/ngày.
Thói quen xấu nhỏ dẫn đến tác hại lớn
Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, người trẻ tuổi có nhiều lựa chọn để tiêu khiển như chơi trò chơi online hoặc những hoạt động trên mạng xã hội, nhưng lại thường chưa có kỹ năng làm chủ thời gian, cân bằng giữa công việc và giải trí, do đó dễ trở nên “nghiện” các thú tiêu khiển công nghệ.
Vì vậy cần có sự quan tâm, hướng dẫn và định hướng của gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo bác sĩ Trực, một số phụ huynh vì công việc nên ít dành thời gian cho con, điện thoại thông minh, máy tính trở thành người bạn đồng hành của trẻ từ nhỏ tới khi lớn.
Thời gian đầu các thiết bị thông minh có thể giúp trẻ ngồi yên, nghe lời khi ăn cơm, về lâu dài sẽ khiến trẻ nghiện điện thoại, xem điện thoại là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và dẫn đến những tác hại đã nêu.
Trẻ em dành nhiều thời gian tiếp xúc với máy vi tính, điện thoại không chỉ dễ bị các vấn đề về cột sống cổ mà còn có nguy cơ mắc phải những vấn đề về tâm lý như trẻ sẽ thụ động, sống khép kín, ít giao tiếp. Trẻ sẽ chìm đắm trong thế giới ảo, có thể bị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn tính cách…
Việc thức khuya chơi game hoặc tương tác trên các nền tảng xã hội sẽ gây xáo trộn chu trình sinh học của trẻ, trong khi ở độ tuổi này trẻ cần có sự hài hòa trong việc ăn, ngủ, học, vui chơi giải trí, hoạt động ngoài trời.
Những thay đổi trong chu trình thức – ngủ của trẻ đều tác động tiêu cực đến đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng vì thời gian ngủ trong đêm chính là lúc đĩa đệm của cơ thể đang phục hồi sau một ngày phải hoạt động liên tục.
Ngay cả khi buổi sáng trẻ có ngủ bù nhiều thế nào thì cơ thể và cột sống cũng không phục hồi được một cách tối ưu nhất. Cứ như vậy bệnh nhân sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn: vấn đề cơ xương khớp cột sống ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm khiến bệnh nhân sẽ không muốn vận động thể lực vào buổi sáng và lại tìm đến các thiết bị thông minh làm bầu bạn…
“Một thói quen nhỏ sẽ dẫn đến tác hại lớn”, bác sĩ Trực khẳng định. Do vậy, bác sĩ khuyên đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh tối đa.
Trẻ lớn hơn phải quy định về thời gian, ví dụ mỗi ngày 30 phút, hình thành một thói quen làm chủ thời gian biểu hợp lý, cân bằng giữa hoạt động trí não (học tập, làm việc…), thể lực (chơi thể thao, hoạt động ngoài trời…) và các hoạt động giải trí (xem phim, tương tác trên mạng xã hội, chơi game…).