TP.HCM có nguy cơ bùng phát dịch sởi rất cao

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi ở TP.HCM rất cao. Thời gian qua, nơi đây ghi nhận nhiều trẻ mắc bệnh sởi chưa tiêm vắc xin phòng bệnh trước đó - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi ở TP.HCM rất cao. Thời gian qua, nơi đây ghi nhận nhiều trẻ mắc bệnh sởi chưa tiêm vắc xin phòng bệnh trước đó – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trẻ mắc bệnh sởi được nhập viện tại các bệnh viện nhi đồng ở TP.HCM vẫn còn ở mức cao. 

Dự kiến ca bệnh tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu không tăng cường các biện pháp phòng bệnh, trong đó có tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

Bệnh viện cách ly trẻ bệnh, tránh nhiễm chéo

Trao đổi Tuổi Trẻ Online ngày 8-7, bác sĩ Dư Tuấn Quy – trưởng khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – cho biết khoa đang điều trị 20 trẻ mắc bệnh sởi, trong đó chủ yếu là ở tỉnh chuyển đến.

So với những tuần trước, số trẻ mắc bệnh sởi điều trị tại khoa giữ ở mức ổn định, nhưng tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Nguyễn Đình Qui – quyền trưởng khoa nhiễm của bệnh viện – cho hay trong thời điểm này, ngoài hai bệnh nổi trội là tay chân miệng và sốt xuất huyết, khoa còn tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhi mắc bệnh sởi và ho gà. 

Theo đó, trung bình khoa đang điều trị khoảng 5-6 trẻ mắc mỗi bệnh nêu trên. Riêng bệnh sởi và ho gà có khả năng ngày càng nhiều trẻ mắc và nhập viện hơn. “Vì bệnh sởi là lây truyền qua đường không khí, hô hấp, có thể từ giọt bắn nhỏ của bệnh nhân, do vậy khu vực điều trị trẻ mắc bệnh sởi tại khoa được rào chắn cách ly giống như COVID-19, tức là phải có khu vực riêng cho bệnh nhi mắc bệnh sởi, để tránh lây nhiễm chéo trong khoa”, bác sĩ Qui cho biết thêm.

Khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đang điều trị 20 trẻ mắc bệnh sởi, chủ yếu ở tỉnh chuyển đến - Ảnh: XUÂN MAI

Khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đang điều trị 20 trẻ mắc bệnh sởi, chủ yếu ở tỉnh chuyển đến – Ảnh: XUÂN MAI

Cần những biện pháp đáp ứng và ngăn chặn

Bà Lê Hồng Nga – phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) – cho hay vào thời điểm vắc xin sởi chưa đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, số ca mắc bệnh này hằng năm ở mức rất cao. Cho đến khi vắc xin sởi đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, số ca mắc bệnh sởi mỗi năm giảm dần, có năm không ghi nhận ca bệnh nào.

Với chu kỳ khoảng 5 năm ghi nhận bệnh sởi bùng phát, thì 10 năm gần đây cả nước đã đối mặt với 2 lần dịch bệnh sởi trên toàn quốc (đợt dịch năm 2013 – 2014 và 2018 – 2019).

Tuy nhiên khi HCDC thực hiện bộ công cụ đánh giá nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo áp dụng tại tất cả các tỉnh, thành ở Việt Nam, thì cho kết quả nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi ở TP.HCM rất cao.

“Thực tế TP.HCM đã ghi nhận các ca bệnh sởi, chắc chắn nguy cơ bùng phát dịch sởi trên toàn TP.HCM rất cao. Do đó chúng ta có những giải pháp đáp ứng và ngăn chặn chúng”, bà Nga nhấn mạnh.

Nhằm chủ động trong công tác điều trị, phát hiện sớm và dự phòng các nguy cơ lây nhiễm, hạn chế sự bùng phát thành dịch bệnh, Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh chủ động rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động tại các khoa, đơn vị điều trị bệnh truyền nhiễm.

Các cơ sở khám chữa bệnh phối hợp chặt chẽ với HCDC điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm tất cả các trường hợp sốt ban dạng sởi đến khám hoặc nhập viện để xét nghiệm chẩn đoán, xác định nguyên nhân.

XUÂN MAI