TP.HCM: Nhiều trẻ bị đau mắt đỏ, làm sao không bị lây?

Bé Trần Phương Thảo bị viêm giác mạc dạng xuất huyết - Ảnh: N.T.
Bé Trần Phương Thảo bị viêm giác mạc dạng xuất huyết - Ảnh: N.T.

Bé Trần Phương Thảo bị viêm giác mạc dạng xuất huyết – Ảnh: N.T.

Mắt đỏ ngầu, sưng, ngứa… 

Bé Trần Phương Thảo (ngụ tỉnh Bình Dương) được bố đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) ngày 30-8 với đôi mắt đỏ ngầu, sưng, khó chịu. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận bé bị viêm giác mạc dạng xuất huyết.

Trước đó, bé đã được đưa đi khám tại địa phương và dùng thuốc nhỏ mắt tại nhà 2-3 ngày nhưng triệu chứng nặng hơn. “Ở trường con đang học, có nhiều bé cũng bị tương tự. Nhà trường yêu cầu học sinh mắc bệnh phải nghỉ học cho đến khi hết bệnh”, bố bé Thảo chia sẻ.

Thời điểm này cũng có thêm hai bệnh nhi ở quận Bình Thạnh và quận 12 (TP.HCM) đến khám vì viêm kết mạc và có các triệu chứng sau khi đi học về, chưa xác định rõ nguồn lây.

Bác sĩ CKI Nguyễn Đình Trung Chính – chuyên khoa mắt, khoa liên chuyên khoa Bệnh viện Nhi đồng 2 – cho biết trong số trẻ đến khám các vấn đề về mắt tại bệnh viện trong thời gian gian đây ghi nhận chủ yếu trẻ bị viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ).

Theo bác sĩ Chính, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi và trẻ cũng tiếp xúc với nhau nhiều hơn khi vừa bước vào mùa tựu trường, khiến vi rút gây bệnh lây lan nhiều hơn trong cộng đồng.

Đa phần trẻ bị viêm kết mạc đều nhanh khỏi sau khi được điều trị theo chỉ định bác sĩ. Tuy nhiên nếu trẻ không được điều trị, khám trễ thì có thể gây ra biến chứng viêm loét giác mạc, ảnh hưởng nhiều đến thị lực trẻ sau này.

“Bệnh này cần tập trung phát hiện sớm, cách ly trẻ bệnh, hạn chế lây lan, tránh bùng dịch. Nếu để các cháu tiếp xúc với nhau nhiều thì bệnh dễ lây lan”, bác sĩ Chính nhận định.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) ghi nhận nhiều trẻ bị viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) - Ảnh: N.T.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) ghi nhận nhiều trẻ bị viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) – Ảnh: N.T.

Dễ lây lan, có khả năng thành dịch

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bạch Tuyết – chuyên khoa mắt, khoa liên chuyên khoa Bệnh viện Nhi đồng 2 – cũng cho biết viêm kết mạc là một bệnh dễ lây lan trong cộng đồng nên có khả năng phát triển thành dịch.

Theo đó, đường lây lan của bệnh có thể do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi… hoặc lây qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh.

Bệnh thường khởi phát từ vài giờ đến vài ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Lúc đầu thường xuất hiện ở một mắt, sau đó lan sang hai mắt với các biểu hiện như xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ, khó mở mắt khi ngủ dậy.

Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ… Đặc biệt ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc) gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi.

Về việc điều trị viêm kết mạc, bác sĩ Tuyết khuyến cáo người bệnh cần nhỏ thuốc, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mắt. Để loại trừ tiết tố hoặc mủ, người bệnh dùng thêm nước muối sinh lý (NaCl 0,9%).