Con đường vi rút HPV gây bệnh ở nam giới có giống nữ giới? Nam giới có cần tiêm vắc xin phòng HPV?
Quan hệ tình dục không an toàn, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản
Kết quả báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), nam giới được coi là nguồn mang vi rút HPV không triệu chứng và là điều kiện làm lây lan vi rút HPV trong cộng đồng. Tỉ lệ nhiễm vi rút này ở nam giới là 1 – 73%, trong đó tỉ lệ nhiễm trên nhóm MSM (cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới) lên đến 64%.
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung, với 90 – 100% ca ung thư cổ tử cung có HPV dương tính.
Chính do sự phổ biến này, nhiều nam giới nghĩ rằng vi rút HPV chỉ gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới mà không biết rằng chúng còn là nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới.
Bác sĩ CKII Đoàn Văn Lợi Em – trưởng khoa lâm sàng 3 Bệnh viện Da liễu TP.HCM – cho biết vi rút HPV rất phổ biến, rất dễ lây lan nên bất cứ ai ở độ tuổi hoặc giới tính nào cũng có thể bị lây nhiễm. Giống như nữ, nam giới thường nhiễm vi rút HPV qua quan hệ tình dục không an toàn với một người đã nhiễm vi rút này qua đường âm đạo, hậu môn và miệng.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – trưởng khoa ung bướu Bệnh viện thành phố Thủ Đức (TP.HCM) – cho biết thêm vi rút HPV ngoài gây bệnh ung thư cổ tử cung với hậu môn, còn liên quan tới ung thư vùng hầu họng với con đường lây truyền thường quan hệ tình dục bằng miệng. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ, phần lớn tự hết, tuy nhiên một số có thể tồn tại dai dẳng, liên quan tới ung thư.
Bác sĩ Lê Quang Đạo, khoa nam học Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ, cho hay hiện có hơn 40 type vi rút HPV gây bệnh ở vùng sinh dục. Chúng đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ phận sinh dục của cả hai giới.
Một số loại gây ra tình trạng mụn cóc sinh dục, một số type khác có thể gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới và ung thư hậu môn, ung thư dương vật ở nam giới.
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu
Bác sĩ Đạo khuyến cáo nam giới cần chăm sóc, quan sát kỹ bộ phận sinh dục của mình để nhận ra sự bất thường trên dương vật, bìu hoặc xung quanh hậu môn. Nên đến bác sĩ khám ngay lập tức nếu thấy “cậu nhỏ” xuất hiện mụn, tổn thương, vết loét, thay đổi sắc tố da…
Nam giới cần nghĩ đến nguy cơ mắc ung thư hậu môn khi nơi đây xuất hiện đau ngứa, chất dịch chảy ra từ hậu môn, sưng hạch vùng hậu môn, chảy máu…
Đối với biểu hiện ung thư dương vật, nam giới lưu ý theo dõi các dấu hiệu đốm da khác màu trên “cậu nhỏ”; da vùng này dày lên hoặc xuất hiện u cục ở các mô của dương vật; mới đầu các u cục này thường không gây đau nhưng sau đó sẽ đau, thậm chí có thể gây chảy máu…
“95% người nhiễm HPV sẽ có thể tự đào thải HPV ra khỏi cơ thể trong 2 năm. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho nhiễm vi rút HPV. Các phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu tập trung vào loại bỏ tổn thương và nâng cao thể trạng cho người mắc”, bác sĩ Đạo nêu.
Bác sĩ Lê Thị Thu Nga, khoa ung thư tổng hợp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa nhiễm tất cả các loại HPV khác nhau.
Do đó, hãy dùng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục, giúp hạn chế lây nhiễm vi rút HPV và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Quan hệ chung thủy với bạn tình, hạn chế số lượng bạn tình và tránh quan hệ tình dục với những người đã có nhiều bạn tình khác có thể giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với vi rút sinh dục.
Cả nam và nữ nên tiêm vắc xin phòng HPV, có thể ngăn ngừa nhiễm một số loại vi rút HPV nhất định. Để có tác dụng tốt nhất, nên chủng ngừa vắc xin HPV trong độ tuổi từ 9-12.
Thanh thiếu niên và thanh niên từ 13 – 26 tuổi chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ mũi nên tiêm vắc xin càng sớm càng tốt. Không khuyến nghị chủng ngừa HPV cho những người trên 26 tuổi.