Vướng đất công, lò thuốc phóng xạ ung thư ‘trùm mền’

Vướng đất công, lò thuốc phóng xạ ung thư 'trùm mền' - Ảnh 1.

Lò sản xuất thuốc phóng xạ của Công ty cổ phần y học Rạng Đông (TP.HCM) tạm dừng hoạt động vì vướng cơ chế nhưng hằng tuần các thiết bị tạo dược chất phóng xạ vẫn phải được vận hành (không tải) để bảo trì – Ảnh: T.T.D.

Do nhiều bệnh viện tại TP.HCM cạn thuốc phóng xạ (thuốc phóng xạ 18F-FDG để chụp PET-CT chẩn đoán ung thư) khiến các hệ thống chụp chiếu hàng chục tỉ đồng phải hoạt động cầm chừng. 

Những bệnh nhân cần chụp PET-CT để chẩn đoán ung thư phải chờ đợi hàng tháng mới đến lượt. Thậm chí, nhiều bệnh nhân phải ra Hà Nội để thực hiện chiếu chụp.

“Trùm mền” vì cơ chế

Hiện nay tại TP.HCM chỉ có lò sản xuất 18F-FDG ở Bệnh viện Chợ Rẫy hoạt động nhưng số lượng hạn chế. Còn một lò khác của Công ty cổ phần y học Rạng Đông có thể cung ứng đủ thuốc cho 10 hệ thống chụp PET-CT cho Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và Bệnh viện 175 lại đang phải đóng cửa vì vướng thủ tục sử dụng tài sản công.

Ông Nguyễn Minh Sơn, giám đốc Công ty cổ phần y học Rạng Đông, nhắc lại thời điểm đặt lò sản xuất phóng xạ trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (Vinagamma), thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Ông Sơn cho hay năm 2017 khi nhận thấy TP.HCM thiếu 18F-FDG, công ty đã đề xuất phối hợp để xây dựng.

“Thời điểm này, chúng tôi đã có lò sản xuất tại Hà Nội nên đề xuất phối hợp với Vinagamma để xây dựng lò sản xuất. Đặc điểm của 18F-FDG là có tuổi thọ ngắn, chỉ dưới 12 giờ, và thời gian bán hủy chỉ trong khoảng 110 phút nên việc sử dụng phải được tiến hành ngay sau khi sản xuất. Việc vận chuyển thuốc từ các địa phương khác về thành phố để sử dụng là không khả thi.

Đặt lò sản xuất tại Vinagamma sẽ đảm bảo được an toàn trong sản xuất phóng xạ, đồng thời có thêm sự hỗ trợ của các chuyên gia và đảm bảo thời gian vận chuyển. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và các bệnh viện đều rất ủng hộ hợp tác này”, ông Sơn nói. Nhưng…

Di dời sẽ phải làm lại từ đầu

Chờ đợi suốt hai năm nhưng vẫn chưa được gỡ vướng, trong khi chi phí vận hành vẫn phải chi trả hằng tháng cũng khiến doanh nghiệp “đứng ngồi không yên”. Trong trường hợp nếu phải di dời lò sản xuất phóng xạ đến địa điểm khác, ông Sơn cho hay chi phí khoảng 1 triệu đô la.

“Bên cạnh đó, nếu di dời đến địa điểm khác, công ty sẽ phải làm lại các thủ tục cấp phép từ đầu. Như lò sản xuất 18F-FDG đặt tại Vinagamma phải mất 3 – 4 năm để hoàn thành các thủ tục. Như vậy sẽ là quãng thời gian dài để có thể tiếp tục cung ứng thuốc cho các bệnh viện”, ông Sơn trăn trở.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Chí Thành, viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), nói việc Công ty cổ phần y học Rạng Đông phải dừng sản xuất là rất đáng tiếc. 

Việc dừng sản xuất thuốc phóng xạ khiến người dân, đặc biệt là các bệnh nhân ung thư, chịu thiệt thòi do mất đi cơ hội được kéo dài sự sống lại vừa gây tổn thất cho doanh nghiệp.

Ông Thành cũng cho hay do nhu cầu cấp bách trong việc chẩn đoán cho bệnh nhân ung thư, Bộ Y tế cũng đã có trao đổi và đề nghị viện hỗ trợ giúp công ty sớm vận hành trở lại để phục vụ người dân.

“Thời gian qua, chúng tôi cũng đã rất nỗ lực phối hợp với công ty, đề xuất lên Bộ Khoa học và Công nghệ để xin chủ trương tiếp tục đưa lò sản xuất hoạt động trở lại.

Tôi cho rằng Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng hơn đối với những trường hợp đặc biệt để các đơn vị có thể sử dụng hiệu quả con người, tài sản nhằm đóng góp cho xã hội, phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư”, ông Thành kiến nghị.

DƯƠNG LIỄU