WHO cho biết đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 với nồng độ rất cao trong sữa của các con bò bị nhiễm bệnh, dù chưa biết virus sẽ tồn tại trong bao lâu.
Thông tin được bà Wenqing Zhang, người đứng đầu chương trình cúm toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nêu trong cuộc họp hôm 19/4. Cụ thể, các chuyên gia đã phát hiện “nồng độ virus rất cao trong sữa nguyên liệu” và đang điều tra chính xác thời gian virus có thể tồn tại trong sữa.
Bà Zhang nhắc lại trường hợp một người ở bang Texas (Mỹ) đã mắc cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với đàn bò sữa hồi đầu tháng 4. Đây là ca cúm A/H5N1 thứ 2 được phát hiện trên người tại Mỹ và là ca đầu tiên mắc bệnh do tiếp xúc với động vật có vú nhiễm virus.
Theo chuyên gia này, mối lo ngại là virus dường như đang đi tìm những vật chủ mới và tình trạng virus lan sang nhóm động vật có vú đồng nghĩa rằng chúng đang tiến gần hơn đến con người.
Trong khi đó, Bộ Y tế Texas nói tình trạng nhiễm virus ở gia súc không gây ra ngại cho nguồn cung cấp sữa thương mại, vì các nhà sản xuất được yêu cầu tiêu hủy sữa từ các con bò nhiễm bệnh. Quá trình thanh trùng cũng sẽ giết chết virus. Theo Zhang, điều quan trọng cần đảm bảo là an toàn thực phẩm, gồm cả việc tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa tiệt trùng.
Những con bò tại Triển lãm Sữa Thế giới ở Madison, Wisconsin, Mỹ, tháng 10/2018. (Ảnh: Reuters).
Cúm gia cầm A/H5N1 lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1996, nhưng kể từ năm 2020, số đợt bùng phát ở chim đã tăng theo cấp số nhân. Bên cạnh đó số lượng động vật có vú nhiễm bệnh cũng tăng lên. Virus đã gây ra cái chết cho hàng chục triệu gia cầm, các loài chim hoang dã, động vật có vú trên cạn và dưới biển.
Từ năm 2003 đến ngày 1/4 năm nay, WHO đã ghi nhận 463 trường hợp tử vong và 889 ca nhiễm H5N1 trên người, tại 23 quốc gia, đưa tỷ lệ tử vong sau mắc bệnh lên 52%, trong khi tỷ lệ tử vong cúm thường là 1-4%. Zhang lưu ý các ca nhiễm ở châu Âu hoặc Mỹ trong vài năm qua đều có triệu chứng nhẹ. Đến nay, chưa có bằng chứng H5N1 lây truyền từ người sang người, chủ yếu lây qua tiếp xúc động vật nhiễm bệnh.
Hiện có gần 20 loại vaccine ngừa cúm A/H5N1 được cấp phép sử dụng nếu xảy ra đại dịch và những loại vaccine này có thể được điều chỉnh phù hợp với chủng virus cụ thể lưu hành.