Xu hướng ngại sinh con đang dần phổ biến tại TP.HCM

Một phụ nữ sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Một phụ nữ sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Một phụ nữ sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngày 8-7, ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết xu hướng ngại kết hôn và ngại sinh con nay đang dần trở nên phổ biến tại TP.HCM.

Trong năm 2023, mức sinh đã giảm đáng kể so với 10 năm trước. Cụ thể, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản năm 2023 là khoảng 1,32 con/phụ nữ, trong khi đó vào năm 2013 là 1.68 con/phụ nữ.

Số liệu này cho thấy mức sinh của TP.HCM đang ở mức rất thấp so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Trong năm 2024, TP.HCM đặt chỉ tiêu duy trì tổng tỉ suất sinh ở mức 1.36 con/phụ nữ. Hiện nay, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM vẫn đang tiếp tục thống kê và phân tích dữ liệu một cách chi tiết hơn, nhưng dự báo con số này chỉ có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng người trẻ ngại kết hôn và ngại sinh con, đặc biệt là việc ngại sinh con thứ hai.

Đầu tiên, về mặt tâm lý và xã hội, nguyên nhân dẫn đến xu hướng sinh ít con có thể thấy là các áp lực kinh tế, sự cạnh tranh công việc và còn xuất phát từ lý do là các cặp vợ chồng mong muốn chăm sóc con cái một cách tốt nhất.

Nhiều cặp vợ chồng có quan điểm kết hôn muộn và sinh ít con để tập trung mọi nguồn lực về tài chính, thời gian và sức khỏe để chăm sóc và đầu tư cho con cái. Ngoài ra, việc học tập và phát triển sự nghiệp cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh con của nhiều người.

Theo xu hướng trên, các cặp vợ chồng trẻ, đặc biệt là phụ nữ, sẽ quyết định trì hoãn việc kết hôn để có thêm nhiều thời gian học tập nâng cao trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, nắm bắt các cơ hội phát triển bản thân.

TP.HCM đang là một trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Mức sinh giảm sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số trong tương lai.

Tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động giảm, tỉ lệ người cao tuổi tăng cao, dân số bị suy giảm nghiêm trọng làm cho nguồn lao động bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến năng suất làm việc và sự phát triển kinh tế.

Mức sinh giảm, tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra một áp lực rất lớn cho hệ thống an sinh – xã hội, phúc lợi, nhân lực và chi phí lớn để chăm sóc người cao tuổi.

“Vấn đề giảm tỉ lệ sinh, ngại kết hôn, ngại sinh con ở TP.HCM đang là một thách thức lớn. Để giải quyết vấn đề này, cần có những biện pháp thực hiện đồng bộ, từ chính sách hỗ trợ đến việc thay đổi nhận thức của người dân thành phố”, ông Trung phân tích.

Hiện nay thành phố đang giải quyết câu chuyện trên bằng cách thực hiện các chính sách dân số theo định hướng khuyến sinh với những cân nhắc thận trọng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, đặc biệt là xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân.

Để khuyến sinh, theo ông Trung, không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số con, mà quan trọng nhất vẫn là những chế độ hỗ trợ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con để làm thế nào họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất, vì đây chính là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai, cũng như phù hợp mục tiêu quan trọng nhất của chính sách dân số chính là nâng cao chất lượng dân số.

Ngành dân số thành phố đang bắt đầu từ hoạt động cơ bản nhất là truyền thông, truyền tải các thông điệp về mức sinh thấp và những hệ lụy của mức sinh thấp đến cho người dân và xã hội, để mọi người hiểu hơn về vấn đề mức sinh thấp.

Từ các nguyên nhân đã nhận định ở trên, cho đến hiện nay TP.HCM đang đi những bước đi thận trọng trong việc điều chỉnh mức sinh dựa trên việc quan sát các kinh nghiệm của các nước trên thế giới, và dựa trên ý kiến đóng góp của chuyên gia và ý kiến của chính người dân phản hồi qua nhiều kênh truyền thông.

THÙY DƯƠNG