Bộ não cũng bị ảnh hưởng khủng hoảng khí hậu

Lũ lụt ở New York, vào tháng 10 năm 2012, sau cơn bão Sandy.

Tỷ lệ lo lắng, trầm cảm, tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và bệnh Alzheimer ngày càng tăng có liên quan đến nhiệt độ cao và những thay đổi môi trường khắc nghiệt khác không?

Vào cuối tháng 10/2012, một cơn bão cấp 3 tên Sandy đã đổ bộ vào New York (Mỹ) và gây thiệt hại hơn 60 tỷ USD, khiến hàng chục người thiệt mạng và buộc 6.500 bệnh nhân phải sơ tán khỏi bệnh viện và viện dưỡng lão. Tuy nhiên, với một nhà khoa học thần kinh cho rằng, cơn bão đã mang đến một cơ hội.

Trước chuyến thăm bất ngờ của cơn bão, bà Yoko Nomura – người giảng dạy khoa tâm lý tại Đại học Queens, CUNY, cũng như khoa tâm thần học của Trường Y khoa Icahn – đã tập hợp một nhóm nghiên cứu gồm hàng trăm người mẹ trẻ ở New York. Cuộc điều tra năm 2009 của bà, mang tên “Căng thẳng khi mang thai”, nhằm khám phá nguy cơ tiềm ẩn của căng thẳng trước khi sinh đối với thai nhi. Bà Nomura tìm hiểu cách các tác nhân gây căng thẳng có thể tạo thay đổi trong biểu hiện gene, những yếu tố được coi là có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các hội chứng thần kinh ở trẻ em như tự kỷ, tâm thần phân liệt và ADHD.

Tuy nhiên, cơn bão đã mang lại cho nghiên cứu của bà một câu hỏi mới: Liệu việc các người mẹ phải trải qua một cơn bão thảm khốc có tác động khác lên con của họ, so với những đứa trẻ được sinh ra trước hoặc sau cơn bão hay không?

Hơn một thập kỷ sau, bà Nomura đã có câu trả lời. Các kết luận cho thấy một sự khác biệt đáng kinh ngạc: những đứa trẻ còn trong bụng mẹ trong cơn bão Sandy có nguy cơ mắc bệnh tâm lý cực kỳ cao sau này. Ví dụ, những bé gái có tiếp xúc với Sandy, kể cả trước khi sinh, có mức độ lo lắng tăng gấp 20 lần và trầm cảm tăng gấp 30 lần sau này so với những người không tiếp xúc. Các bé trai có nguy cơ mắc ADHD và rối loạn hành vi tăng lần lượt gấp 60 lần và 20 lần. Trẻ em biểu hiện các triệu chứng của tình trạng này ngay từ khi đi học mẫu giáo.

Lũ lụt ở New York, vào tháng 10 năm 2012, sau cơn bão Sandy.
Lũ lụt ở New York, vào tháng 10 năm 2012, sau cơn bão Sandy.

Nghiên cứu của bà Nomura và các đồng nghiệp cũng đặt ra một vấn đề mới trong cuộc khủng hoảng khí hậu: rằng khí hậu thay đổi không chỉ định hình môi trường chúng ta đang sống, mà cả chính bộ não của chúng ta. Những thay đổi do nhiên liệu hóa thạch gây ra – từ nhiệt độ tăng cao đến thời tiết khắc nghiệt, cũng như nồng độ carbon dioxide trong khí quyển tăng cao – đang làm thay đổi sức khỏe não bộ của chúng ta, ảnh hưởng đến mọi thứ từ trí nhớ và chức năng điều hành đến ngôn ngữ, sự hình thành danh tính và thậm chí cả cấu trúc của não.

Bằng chứng đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Các nhà tâm lý học và nhà kinh tế học hành vi đã chứng minh cách nhiệt độ tăng đột biến dẫn đến sự gia tăng mọi thứ, từ bạo lực gia đình đến bình luận căm thù trên Internet. Theo các nhà khoa học thần kinh nhận thức, nhiệt độ và nồng độ CO2 tăng cao làm suy giảm khả năng quyết định, giải quyết vấn đề và học hỏi của chúng ta. Các tác nhân gây bệnh liên quan não, chẳng hạn như bọ ve và muỗi, đang mở rộng phạm vi sinh sống của chúng khi thế giới ngày càng ấm lên.

Bà Burcin Ikiz, nhà khoa học thần kinh tại tổ chức từ thiện sức khỏe tâm lý Baszucki Group, đặc biệt quan tâm đến tác động thoái hóa thần kinh của khủng hoảng khí hậu. Chỉ riêng việc tiếp xúc lâu dài với nhiệt độ cao có thể kích hoạt vô số con đường sinh hóa liên quan đến các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson. Ô nhiễm không khí cũng làm điều tương tự. Do đó, việc tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, dù là do tác động trực tiếp hay gián tiếp, có thể dẫn đến chứng mất trí nhớ. Thời tiết ấm hơn cũng làm các triệu chứng thoái hóa thần kinh trầm trọng hơn.

Các nhà khoa học khác cũng đã lưu ý đến những tác nhân này. “Các dấu hiệu của bệnh Alzheimer đang phát triển không ngừng ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh niên đô thị Mexico City” là một phần tiêu đề một bài báo gần đây do Tiến sĩ Lilian Calderón-Garciduenas, một nhà độc học của Đại học Montana (Mỹ) dẫn đầu. Các nhà nghiên cứu đã điều tra tác hại của ô nhiễm không khí đô thị đối với các dấu hiệu sinh học của sự thoái hóa thần kinh, và tìm thấy các dấu hiệu của bệnh Alzheimer ở 202 trong số 203 bộ não mà họ kiểm tra, của những người dân từ 11 tháng đến 40 tuổi. Bà Calderón-Garcidueñas và các đồng nghiệp của bà viết: “Bệnh Alzheimer bắt đầu trong não của trẻ nhỏ và ảnh hưởng đến 99,5% thanh niên thành thị là một cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng”.

Khói bụi ở Mexico City, Mexico,
Khói bụi ở Mexico City, Mexico,

Bà Ikiz cho biết số người mắc bệnh Alzheimer dự kiến sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050 – và đó là chưa tính đến cuộc khủng hoảng khí hậu. “Điều đó làm tôi lo ngại”, bà nói. “Bởi vì vào năm 2050, chúng ta sẽ nghĩ đến lúc mình phải thử làm điều gì đó, nhưng lúc đó đã là quá muộn đối với nhiều người”.

“Tôi nghĩ đó là lý do tại sao điều cần làm hiện giờ là lên tiếng và nâng cao nhận thức về những vấn đề này, trong khi bằng chứng đang ngày càng xuất hiện và chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn. Bởi vì không ai muốn thiệt hại đi xa đến mức không thể khắc phục được”, bà nói.

Đối với bà Nomura, mọi thứ đều quay trở lại căng thẳng. Theo bà, trong những điều kiện thích hợp, việc tiếp xúc với căng thẳng trước khi sinh lại có thể có tác dụng bảo vệ. “Nó giống như tiêm chủng vậy”, bà giải thích. “Bạn được tiếp xúc một cách nhân tạo với thứ gì đó, và bạn học cách xử lý nó tốt hơn – miễn là nó không quá độc hại”. Căng thẳng khi mang thai, ở mức độ vừa phải, có thể giúp thai nhi chống lại những tác động có hại nhất của căng thẳng trong cuộc sống sau này. “Nhưng có giới hạn nhất định”, bà nói.