Tìm cách ngăn chặn ‘làn sóng’ ung thư

Bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức)  - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Vậy có cách nào để giảm tải cho các bệnh viện?

Tuyến dưới cần điều trị tốt, thông suốt với tuyến trên

Ông Lê Tuấn Anh, giám đốc Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hiện nay số bệnh nhân mắc bệnh ung thư đến điều trị tại Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy đang trong tình trạng quá tải. Trung tâm có 200 giường bệnh điều trị nhưng luôn có khoảng 300 bệnh nhân điều trị nội trú và hơn 700 bệnh nhân điều trị ngoại trú mỗi ngày.

Trong số những bệnh nhân nhập viện điều trị, có đến 70 – 80% bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến. Trong số những bệnh nhân ở tỉnh này có những bệnh nhân từng điều trị tại các bệnh viện tỉnh nhưng không hết bệnh nên đã lên tuyến trên điều trị và cũng có những bệnh nhân lên thẳng trung tâm để khám, điều trị.

Còn ông Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết hiện nay mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu tiếp nhận 4.700 – 4.800 bệnh nhân đến khám, 950 bệnh nhân nội trú và khoảng 1.000 – 1.100 bệnh nhân ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị. Trong số những bệnh nhân đến khám và điều trị này có đến 84% bệnh nhân đến từ các tỉnh thành trong khu vực, trong khi trước đây tỉ lệ này chỉ khoảng 75%. 

Theo số liệu Globocan (Tổ chức Ung thư toàn cầu) 2022 vừa được công bố đầu tháng 3 năm nay, tại Việt Nam có khoảng 180.400 ca mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư.

Để giải quyết tình trạng quá tải này, theo ông Anh, cần đầu tư cho một mạng lưới điều trị ung thư. Các cơ sở tuyến dưới điều trị tốt, bệnh nhân sẽ tìm đến điều trị chứ không dồn lên tuyến trên. Ngoài ra để giảm tải cho các cơ sở tuyến trên thì các bệnh viện, trung tâm tuyến trên cũng phải gắn kết chặt chẽ với các cơ sở tuyến dưới để có một hệ thống quản lý bệnh nhân thống nhất. Khi bệnh nhân bị bệnh nặng sẽ chuyển lên tuyến trên điều trị. 

Cơ sở tuyến trên điều trị đến mức độ nào sẽ chuyển bệnh nhân về tuyến dưới điều trị. Bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới cùng có một kế hoạch để điều trị cho bệnh nhân… Những năm qua Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy đã hỗ trợ về chuyên môn cho Bệnh viện tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện tỉnh Trà Vinh… khi những bệnh viện này có máy xạ trị.

Thêm các giải pháp từ bệnh viện liên vùng

Thống kê về số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu năm 2023, có hơn 82% bệnh nhân khám chữa bệnh tại bệnh viện đến từ các tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, bệnh nhân từ 13 tỉnh thành miền Tây chiếm gần 38% (bốn tỉnh thành có số lượt bệnh nhân đến khám, nhập viện điều trị tại Bệnh viện Ung bướu đông nhất, trên 10% là Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp).

Hiện tại mạng lưới chẩn đoán, điều trị ung thư ở miền Tây khá hạn chế khi 13 tỉnh thành chỉ có 2 bệnh viện chuyên khoa ung bướu, 9 khoa ung bướu thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh và 2 đơn vị ung bướu thuộc khoa lâm sàng trong bệnh viện đa khoa tỉnh.

Việc điều trị ung thư ở các tỉnh thành miền Tây còn gặp nhiều khó khăn như xây dựng cơ bản, trang thiết bị cho chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư rất đắt tiền, cần nhiều thời gian. Ngoài ra, việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự tại các cơ sở này cũng gặp nhiều khó khăn. Chưa kể một số bệnh viện ở miền Tây còn có dấu hiệu quá tải.

“Vai trò liên kết vùng trong điều trị ung thư ngày càng quan trọng”, nhiều chuyên gia nhận xét như vậy. Bệnh viện Ung bướu là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối về ung thư khu vực phía Nam. Theo lãnh đạo bệnh viện này, bệnh viện luôn sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho các tỉnh thành miền Tây trong đào tạo nhân lực chẩn đoán và điều trị ung thư.

Cụ thể sẽ giúp các tỉnh thành đào tạo nguồn nhân lực cho chẩn đoán, điều trị ung thư, tư vấn mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ chuyên gia trực tiếp hoặc qua telemedicine, hỗ trợ – chuyển giao kỹ thuật về đọc và phân tích kết quả của bệnh nhân, hỗ trợ điều trị ca khó.

Hiện nay các bệnh viện trong TP.HCM đã tích cực phối hợp với các bệnh viện thuộc 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên để triển khai các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho các tỉnh nhằm nâng cao năng lực điều trị bệnh lý ung thư nói riêng và các bệnh lý khác nói chung để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của người dân tại các địa phương.

Ông Diệp Bảo Tuấn cho rằng một trong những giải pháp góp phần giảm tải bệnh nhân ung thư là cần tăng cường công tác tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý ung thư nhằm phát hiện ngày càng nhiều, càng sớm những trường hợp ung thư để điều trị hiệu quả hơn với thời gian ngắn hơn.

THÙY DƯƠNG