Theo thông tin từ bệnh viện đa khoa 2 tỉnh này, số ca nhập viện do đột quỵ vì nắng nóng từ đầu quý 1-2024 tăng nhanh, đặc biệt từ đầu tháng 4-2024 đến nay.
Số ca đột quỵ tăng cao
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Trung – trưởng khoa thần kinh, số bệnh nhân bị đột quỵ nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định – từ đầu tháng 1-2024 cho đến nay là 1.648 ca, tăng 131 ca so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài bệnh nhân trong tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định còn tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ từ các tỉnh lân cận: Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi và cả Khánh Hòa. Các bệnh nhân nhập viện đều có triệu chứng tê liệt chân tay, khó thở hoặc khó cử động. Tại khoa thần kinh – đột quỵ, rất nhiều người lớn tuổi đang nằm điều trị.
Bà Nguyễn Thị Lượng (60 tuổi, ở thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) kể: “Cách đây khoảng 1 tuần, tôi đang ngồi thì tự nhiên yếu một bên người, cứng miệng. Con tôi lập tức đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định để điều trị. Rất may là gia đình đến viện kịp “giờ vàng” nên tôi được điều trị hiệu quả”.
Trong khi đó, theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, từ ngày 1-4 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị khoảng 110 bệnh nhân đột quỵ, đa số là người cao tuổi có bệnh nền.
Đang nằm trên giường bệnh, ông Nguyễn Văn Dũng (60 tuổi, trú huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cho biết khoảng 7h ngày 9-4, khi đang phụ hồ ở ngoài trời nắng thì ông đột ngột xây xẩm, chóng mặt nên xin về nhà, khi vừa đến nơi thì ông được người thân đưa vào bệnh viện.
“Về đến nhà thì tôi bị méo miệng, tê cứng nửa mặt, chân tay không thể cử động. Đến hôm nay tôi vẫn cảm thấy chân tay nặng nề và không thể đi lại được nữa” – ông Dũng khó nhọc nói.
Làm gì để tránh đột quỵ giữa thời tiết nắng nóng?
Theo bác sĩ Ngô Hoàng Lê Vinh – phụ trách điều trị khoa thần kinh – nội tiết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng bệnh nhân đột quỵ đó là do nắng nóng làm cho người mệt mỏi, tăng huyết áp.
Ngoài ra nắng nóng quá cũng khiến bệnh nhân lười ăn uống, sau đó làm giảm lượng dịch trong cơ thể dẫn đến máu trở nên cô đặc hơn, từ đó gia tăng nguy cơ đông máu gây ra đột quỵ.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Văn Trung, bệnh đột quỵ hiện nay có xu thế trẻ hóa và gia tăng số lượng. Nắng nóng là yếu tố làm gia tăng thêm mức độ trầm trọng của bệnh đột quỵ.
Những bệnh nhân có bệnh lý nền như: bệnh lý tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý hô hấp, tăng lipid máu … vốn đã mang sẵn nguy cơ đột quỵ nay lại sẽ có nguy cơ cao hơn khi thời tiết nắng nóng hoặc chuyển khí hậu đột ngột.
Cũng theo bác sĩ Trung, mọi người cần kiểm soát sự căng thẳng của bản thân, ăn uống lành mạnh (tăng cường trái cây rau quả); ngủ đủ giấc; kiểm soát huyết áp và đường huyết; giảm rượu bia; thuốc lá; khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt là không hút thuốc lá để tránh đột quỵ.