Từ năm 2018, thông tư 46 của Bộ Y tế đưa ra lộ trình đến hết năm 2023 các cơ sở khám chữa bệnh hạng I nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, triển khai bệnh án điện tử. Tuy nhiên cho đến ngày 23-4, cả nước chỉ có 77 bệnh viện công bố chuyển sang bệnh án điện tử.
Bệnh án điện tử còn chậm, nhiều khó khăn
Bộ Y tế cũng đề xuất lùi đến hết năm 2025, các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Mặc dù lùi tiến độ nhưng việc triển khai bệnh án điện tử cũng còn nhiều khó khăn.
Tính đến nay, các bệnh viện tuyến trung ương chỉ có Bệnh viện Phổi trung ương công bố triển khai bệnh án điện tử. Dự kiến, Bệnh viện Bạch Mai sẽ công bố trong năm nay.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một bệnh viện hạng 2 tại Hà Nội cho rằng việc triển khai bệnh án điện tử thuận lợi cho người dân và cả bác sĩ. Tuy nhiên, với nhiều bệnh viện nguồn kinh phí không cho phép. Theo vị này, bệnh viện cũng chưa triển khai công bố bệnh án điện tử nhưng đang cố gắng đạt một số tiêu chí như số hóa bệnh án, các công cụ tạo lập và quản lý dữ liệu.
“Để liên thông dữ liệu cần hạ tầng, đầu tư lớn, trong khi hầu hết các bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên nên gặp nhiều khó khăn về chi phí triển khai. Tới đây khi tính chi phí quản lý, phần chi cho công nghệ thông tin được tính vào giá dịch vụ y tế. Bệnh viện kỳ vọng khi có nguồn tài chính ổn định sẽ triển khai bệnh án điện tử sớm”, vị này nói.
Tại TP.HCM, theo dữ liệu của Bộ Y tế chỉ có ba bệnh viện công lập triển khai bệnh án điện tử gồm Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 1), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Thực tế các bệnh viện cũng chia sẻ trong quá trình triển khai bệnh án điện tử gặp không ít khó khăn, còn sử dụng cùng lúc với bệnh án giấy.
Bác sĩ Võ Đức Chiến – giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – cho hay bệnh án điện tử rất tiện ích và là chiến lược chuyển đổi số y tế quốc gia, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện cần đẩy nhanh thực hiện.
Tuy nhiên, khi bệnh viện triển khai bệnh án điện tử thì mắc kẹt ở hệ thống PACS (hệ thống phần mềm lưu trữ và truyền hình ảnh), vì Bộ Y tế chưa có đơn giá thanh toán. Điều này khiến bệnh viện chưa triển khai bệnh án điện tử còn e dè, còn các bệnh viện tiên phong triển khai bệnh án điện tử thì thiệt thòi hơn.
“Cốt lõi của bệnh án điện tử là hệ thống PACS. Chúng mang tính khoa học và rất thuận lợi cho giai đoạn chuyển đổi số. Tuy nhiên hiện nay các bệnh viện còn mắc kẹt khi triển khai, do Bộ Y tế chưa ban hành đơn giá để thanh toán hệ thống PACS”, bác sĩ Chiến nhấn mạnh.
Trước khó khăn trên, giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương mong muốn Bộ Y tế sớm có đơn giá thanh toán chi phí cho hệ thống PACS khi thực hiện bệnh án điện tử, từ đó khuyến khích các bệnh viện cùng nhau triển khai bệnh án điện tử theo mục tiêu của bộ.
Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc bệnh viện – cho biết bệnh viện đã triển khai hệ thống bệnh án điện tử được vài năm, chính thức được Bộ Y tế công nhận vào cuối tháng 2 vừa qua.
Thời gian đầu triển khai, bệnh viện gặp một ít khó khăn về việc bảo hiểm y tế duyệt thanh toán. Đến thời điểm hiện nay, các khó khăn dần được tháo gỡ, việc triển khai bệnh án điện tử tại bệnh viện thuận lợi. Song song với bệnh án điện tử, bệnh viện vẫn còn dùng bệnh án giấy nhưng đã giảm nhiều so với trước đây.
Sẽ sửa đổi hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trường Nam, phó giám đốc Trung tâm thông tin y tế (Bộ Y tế), cho hay bệnh án điện tử là một trong những nội dung cốt lõi, mắt xích quan trọng của chuyển đổi số y tế.
Để triển khai được bệnh án điện tử cần phải làm rất nhiều việc như: triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm, đồng bộ hạ tầng và an toàn thông tin, kéo theo rất nhiều hạng mục khác nữa, dẫn đến chi phí triển khai quá lớn, gây khó khăn cho các bệnh viện.
“Qua đánh giá có nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng quan trọng nhất vẫn là nhiều bệnh viện đã lập đề án song không có kinh phí nên không triển khai đồng bộ mà triển khai từng phần, dẫn đến tiến độ bị chậm.
Hiện các bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, hầu hết nguồn lực của bệnh viện đầu tư cho khám bệnh, chữa bệnh, không còn nhiều nguồn lực dành cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Theo tính toán, trung bình mức đầu tư để một bệnh viện tuyến tỉnh (quy mô 300-500 giường) triển khai bệnh án điện tử sẽ tốn chi phí khoảng 10 tỉ đồng trở lên. Bệnh viện có quy mô lớn như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai… kinh phí sẽ lớn hơn rất nhiều.
Hiện cũng có một số bệnh viện đang triển khai, có nơi đã hoàn thành 80-90% nội dung bệnh án điện tử và trong quá trình vận hành/đã ứng dụng vào khám chữa bệnh nhưng chưa công bố”, ông Nam thông tin.